Chính phủ mới đây đã có chỉ đạo không được dùng tiền ngân sách nhà nước hoặc tiền thuế của dân để xây trụ sở nếu chưa cần thiết, nhất là trong điều kiện nước ta hiện đang có chủ trương cắt giảm chi phí, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, dường như đang có một “phong trào” đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính tập trung ở nhiều tỉnh, thành với chi phí cao, quy mô lớn…
Theo các chuyên gia, chính quyền Lâm Đồng nên tận dụng những ngôi biệt thự cũ có giá trị tại Đà Lạt, tu bổ lại để làm trung tâm hành chính sẽ hợp lý hơn là xây cao ốc (Ảnh: Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Lâm Đồng có tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng)

Theo số liệu của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hiện nay cả nước có 15 Trung tâm hành chính tập trung (TTHCTT) đã đưa vào sử dụng và đang triển khai tại nhiều tỉnh, TP. Các dự án xây dựng đều có mức dự toán trên 1.000 tỉ đồng, cao nhất là 7.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế khi quyết toán mức đầu tư đều vượt ngưỡng dự toán rất nhiều.

Thận trọng với nghìn tỷ

Đến thời điểm hiện tại chưa có những con số khảo sát thống kê đánh giá một cách đầy đủ hiệu quả đầu tư với hiệu năng và hiệu suất mà các công trình này mang lại. Chỉ biết rằng, theo lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tính toán, trong hơn 5.500 tỉ đồng đầu tư cho trung tâm hành chính mới thì tỉnh chỉ phải chi khoảng 2.000 tỉ đồng, hơn 3.500 tỉ đồng còn lại sẽ “lấy” từ nguồn thu quỹ đất của các cơ quan hiện hữu. Đà Nẵng cũng tính như thế, nhưng cho đến nay vốn đầu tư xây dựng tòa nhà trung tâm hành chính đều lấy từ nguồn ngân sách chứ chưa bán được các công sở.

Tương tự, tỉnh Lâm Đồng đã lên kế hoạch bán và cho thuê 19 biệt thự, năm nhà ở tại Đà Lạt hiện đang được trưng dụng để làm công sở nhằm tạo kinh phí xây khu hành chính tập trung. Theo tính toán sơ bộ, đợt bán và cho thuê biệt thự, nhà công sản sẽ giúp tỉnh Lâm Đồng có hơn 455 tỉ đồng đầu tư cho TTHCTT. Nhưng sau nhiều lần chào giá đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư quyết định mua hoặc thuê các biệt thự công.

Theo các chuyên gia, đối với những tỉnh thành lớn, và có nhiều tiềm năng phát triển thu hút đầu tư thì TTHCTT thực sự được xem như bộ mặt văn minh đô thị, thể hiện tiềm lực lớn mạnh. Tại những khu vực đấy trình độ dân trí cao, do đó việc xây dựng một TTHCTT là điều tất yếu nên làm.

Bên cạnh đó, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương chủ yếu phân tán, việc này gây ảnh hưởng lớn cho người dân trong công tác thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xử lý những vướng mắc tại các cơ quan liên quan. Chính vì thế việc xây dựng tập trung các cơ sở hành chính sẽ tạo cơ chế thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc xây dựng TTHCTT đòi hỏi không chỉ một nguồn vốn lớn mà cần một quỹ đất lớn ngay tại những vị trí trung tâm, tập trung khu dân cư. Chính vì vậy, các địa phương phải rà soát kỹ nhu cầu, đưa ra phương án huy động vốn hiệu quả, chặt chẽ và đánh giá được hiệu quả khai thác của công trình TTHCTT trước khi quyết định xây dựng TTHCTT.

“Chiếc áo có làm nên thầy tu”?

Xây dựng TTHCTT, thực ra mục đích cuối cùng cũng là để phục vụ người dân, DN tốt hơn, thuận lợi hơn, đồng thời đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Tuy nhiên, “chiếc áo chẳng làm nên thầy tu” - vì vậy quan trọng hơn cả vẫn là năng lực điều hành quản lý của đội ngũ cán bộ công chức tại địa phương.

Kết luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra đặt ra, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức vẫn còn một số hạn chế như: vẫn còn một số thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém cho người dân, DN; Chưa tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc và cung cấp dịch vụ công; Tinh thần, thái độ phục vụ người dân và DN của một số cán bộ công chức, viên chức còn gây bức xúc trong dư luận.

Một kết quả khảo sát trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) vừa công bố tại Hà Nội cũng cho thấy, trong 4 năm qua, 6 chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công không được cải thiện đáng kể.

Trong đó, chỉ số Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở sụt giảm điểm nhiều nhất. Các chỉ số nội dung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân đạt tiến bộ không đáng kể. Đặc biệt, Chỉ số nội dung về thủ tục hành chính công cũng không có mấy cải thiện trong cảm nhận chung của công dân. Luật quy định việc xử lý hồ sơ thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất không được kéo dài quá 30 ngày. Tuy nhiên, 34% người nộp đơn phải đợi 100 ngày mới giải quyết xong giấy tờ, 8% phải đợi từ 100-720 ngày mới có kết quả cuối cùng...

Xem ra, cải cách hành chính công chậm tiến bộ hơn rất nhiều so với phong trào xây dựng TTHNCTT đang ngày càng rầm rộ ở các địa phương trên cả nước.

Minh Nam (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.