“Cơ chế này sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý cho các quyết định của UBND các địa phương, bên cạnh các quy định của pháp luật dân sự, trong việc thanh lý dự án đầu tư đồng thời với giải thể tổ chức kinh tế trong trường hợp doanh nghiệp không có đại diện chịu trách nhiệm tổ chức việc thanh lý”, ông Hùng nói và cho biết đang dự thảo 3 trường hợp với các hướng xử lý riêng biệt.
Đơn giản nhất là dự án đầu tư không triển khai hoạt động theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư và chưa phát sinh các khoản nợ phải thanh toán, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và thông báo cho các cơ quan có liên quan.
Việc xử lý tài sản (nếu có) của dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về tài sản vắng chủ. UBND xã, phường, thị trấn hoặc Ban quản lý khu công nghiệp cấp tỉnh chịu trách nhiệm lưu giữ, bảo quản tài sản của dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật dân sự.
Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động theo quy định, nhưng chưa phát sinh nợ phải thanh toán, việc xử lý tài sản được thực hiện tương tự.
Phức tạp nhất vẫn là các dự án đầu tư đã triển khai hoạt động theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư và đã phát sinh các khoản nợ phải thanh toán hoặc tài sản phải xử lý. Bởi, trong trường hợp này, cơ quan nhà nước sẽ phải thực hiện trách nhiệm của chủ doanh nghiệp để giải quyết quyền lợi của bên thứ ba, trong đó có cả quyền lợi của nhà nước, các đối tác và người lao động.
Theo dự thảo, Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao kiến nghị UBND cấp tỉnh phê duyệt việc thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Các cơ quan này sẽ thực hiện vai trò của cơ quan thanh lý, như thông báo việc tổ chức thanh lý trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phương án thanh lý tài sản (gồm tổ chức và thành phần, ngân sách, thời hạn hoạt động của ban thanh lý, danh mục tài sản, phương án thanh lý, danh sách tổ chức, cá nhân có nhu cầu đòi nợ, tỷ lệ trả nợ sau khi thanh lý tài sản) theo quyết định của UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, các cơ chế này chỉ mang tính nguyên tắc, tạo cơ sở pháp lý để thanh lý dự án mà chủ đầu tư không có mặt tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Bởi, việc xử lý thanh lý và giải thể doanh nghiệp vắng chủ không thể chỉ trông vào pháp luật về đầu tư, cơ quan quản lý về đầu tư, mà đòi hỏi sự phối hợp các quy định như pháp luật dân sự, lao động, tài chính, ngân hàng,... cũng như sự tham gia của các cơ quan liên quan như UBND, toà án, cơ quan thuế, ngân hàng và thậm chí cả cơ quan ngoại giao...
“Trong quá trình thực thi, tuỳ từng trường hợp, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định phương án, cách thức xử lý phù hợp trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan”, ông Hùng phân tích và cho biết thêm, những nội dung như trình tự, thủ tục, hồ sơ và các điều kiện áp dụng sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết sau khi dự thảo Nghị định được thông qua.