22/07/2012 9:46 AM
Thay đổi mục đích sử dụng, UBND tỉnh Bình Thuận (BT) thu hồi lại đất đã giao cho 13 DN trót đổ vốn gần 1.000 tỉ đồng xây dựng các khu du lịch ở mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh BT) (Báo Lao Động ngày 16 và 18.7 đã phản ánh). Xét trên bình diện pháp lý, cơ sở để tỉnh BT… “lật kèo” cũng quá… mong manh.

Khu du lịch Thế giới Xanh xây bề thế, nhưng đành bỏ hoang phế, lãng phí. Ảnh: C.H

Có phạm luật?

Một thực tế không thể phủ nhận, khi ra các quyết định thu hồi lại đất đã giao cho 13 DN đầu tư khu du lịch cách đây 10 năm, cơ sở pháp lý để UBND tỉnh BT thu hồi lại đất là theo khoản 1, Điều 38 Luật Đất đai: “Nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”. Trong trường hợp này, đất thu hồi được giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN (TKV) xây dựng cảng biển Kê Gà; rõ ràng, không thuộc “quốc phòng, an ninh” hay “lợi ích quốc gia, công cộng”, mà đơn thuần là “phát triển kinh tế”. Tuy nhiên, nếu thu hồi đất của 13 hộ dân cho mục tiêu “phát triển kinh tế” sẽ không ai nói gì; đằng này, thu hồi đất của 13 DN đang đầu tư các khu du lịch hợp pháp, thì việc thu hồi đất trên hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Tỉnh BT từng thu hồi đất của dân để giao cho 13 DN khu du lịch “phát triển kinh tế”; chẳng lẽ giờ đây, tiếp tục lấy đất từ các DN đang “phát triển kinh tế”, để giao cho DN khác (TKV) cũng... để “phát triển kinh tế”? Căn cứ này không đủ tính pháp lý, bởi 13 nhà đầu tư khu du lịch và TKV đều là DN. Điều 21, Hiến pháp năm 1992 công nhận “các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 5, Luật Doanh nghiệp cũng khẳng định: “Nhà nước công nhận sự tồn tại và phát triển của các loại hình DN...; bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật của các DN, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế; thừa nhận tính sinh lợi hợp pháp của hoạt động kinh doanh”. Tuy nhiên hiện nay, 13 DN trên đang bị “lép vế”, khi bị “lật kèo”, thu hồi lại đất để giao cho TKV xây dựng cảng biển...

Trong khi đó, hàng loạt DN đã trót đổ vốn hàng trăm tỉ đồng cho dự án như: Cty Thạnh Đạt chi hàng chục tỉ đồng, nay được áp giá đền bù chỉ... vài tỉ đồng; Cty Thế giới Xanh cầm cố hơn 3.000 lượng vàng cho xây dựng dự án; một DN khác đầu tư 40 tỉ đồng xây dựng 30 bungalow, chưa kịp đưa vào hoạt động, nay buộc phải phá bỏ... Chưa nói, xét về các hợp đồng mà trước đây UBND tỉnh BT ký giao thuê đất cho 13 DN, tại khoản 1, điều 4 của hợp đồng cũng ràng buộc: “Bên cho thuê đất” (UBND tỉnh BT) bảo đảm việc sử dụng đất của “bên thuê đất” (13 DN) trong thời gian thực hiện hợp đồng, “không được chuyển giao quyền sử dụng khu đất cho bên thứ ba”. Việc UBND tỉnh BT thu hồi lại đất cho TKV (tức “bên thứ ba”) đã vi phạm hợp đồng cho thuê.

Lăn tăn… cảng Kê Gà?

Không phải ngẫu nhiên, việc xây dựng cảng Kê Gà đã đặt ra từ 4 năm nay, nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì có quá nhiều khó khăn, trở ngại và bất hợp lý, mà chúng tôi đã nêu ở trên và các bài báo đã đăng trước đây. Gần đây - ngày 14.6.2012, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo số 216/TB-VPCP, nêu ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự án cảng Kê Gà. Trong thông báo này, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo TKV “rà soát lại quy hoạch cảng Kê Gà”; đồng thời, TKV “làm việc với Tập đoàn Điện lực VN để xem xét phương án vận chuyển alumin từ các nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ qua cảng Vĩnh Tân khi cảng này được đưa vào vận hành trong năm 2014; so sánh với phương án vận chuyển qua cảng Gò Dầu, xây dựng mới cảng Kê Gà hoặc phương án kết hợp vận chuyển qua các cảng để lựa chọn phương án hợp lý nhất”.

Như vậy, chính trong chỉ đạo của Phó Thủ tướng đã cho thấy chưa quyết định chọn xây dựng mới cảng Kê Gà là phương án duy nhất để vận chuyển alumin; mà ở đây, còn có 2 cảng khác là Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh BT) và cảng Gò Dầu (tỉnh Đồng Nai) cũng có những lợi thế hơn về mặt giao thông, có thể trở thành trạm trung chuyển alumin hơn là phải xây dựng mới cảng Kê Gà. Trong khi đó, có không ít ý kiến phản biện khoa học từng cho rằng, vùng biển tạm quy hoạch cảng Kê Gà vừa qua, từ xưa đã là vùng biển giao nhau giữa 2 dòng hải lưu ngầm, rất nguy hiểm. Có không ít tàu bè qua lại vùng biển này đã bị đắm chìm... Trước mắt, việc đặt cảng biển tại đây đã là một “thảm họa” đối với 13 nhà đầu tư khu du lịch, với thiệt hại lên tới gần 1.000 tỉ đồng và những thiệt hại sắp tới sẽ còn phát sinh, nếu vấn đề pháp lý, bồi thường trên không được giải quyết thỏa đáng.

Theo Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.