12/07/2011 1:43 AM
“Nói về biển, hãy nghĩ đến những ngôi nhà trên phố cổ”, TS quy hoạch Phó Đức Tùng dứt khoát. “Tài nguyên, thế mạnh của họ là từng tấc đất mặt đường. Vì thế, nhà phố cổ có mặt tiền rất hẹp nhưng lại sâu hút vào trong. Như thế, mới tận dụng hết tài nguyên. Biển cũng vậy! Muốn khai thác biển phải tạo giao thông xẻ dọc sâu vào đất liền”.
Một bờ biển dài chính là tiềm năng để khai thác biển. Trên thế giới, những trung tâm lớn, những trung tâm văn hóa, thương mại lớn đa số đều gắn với dải ven biển. Với bờ biển, về mọi mặt, từ giao thông đến cảnh quan du lịch, từ nghề hàng hải đến nghề biển, nghề cá kiểu gì cũng là tiềm năng lớn. Do đó, phải nhìn biển như một yếu tố nước lớn trong một hệ thống nước khác như sông ngòi, ao hồ, đầm phá…, nghĩa là xét cả mạng lưới nước từ sông đổ ra biển… chứ không phải chỉ có mỗi đường bờ biển chung.

Dải bờ biển “đứt mạch máu”


Về quy hoạch mà xét, chúng ta đang khai thác dải bờ biển một cách thiếu chiến lược đồng bộ quốc gia. Nhìn sang Malaysia với bờ biển dài gần như mình, họ chỉ tập trung phát triển ở vài điểm, còn lại để dành cho thiên nhiên hay để dành tài nguyên ấy cho thế hệ sau. Mỗi thời kỳ, người ta sẽ chỉ phát triển một điểm thôi, điểm đó lên thật tốt rồi mới phát triển điểm thứ hai. Còn chúng ta cứ phân cấp hành chính ra từng vùng một, rồi từng vùng cũng đều tìm cách phát triển địa phương của mình. Vì thế nên không có điểm nào mạnh cả, tất cả phát triển tràn lan suốt dải bờ biển mấy nghìn cây số. Với số lượng tư bản rất mỏng, cộng với việc dàn trải đầu tư như thế thì hiệu quả không thể tốt được.


Với biển - phải nhìn thật sâu vào bờ

Vẻ đẹp của biển Đà Nẵng thuộc về các resort?


Chưa kể, mình bán lớp mặt biển rất mỏng. Yếu tố nước từ trong ra ngoài như một mạch máu đi từ trên núi xuống biển, nói kiểu phong thủy là “có núi có biển”. Những yếu tố này xếp ken nhau, thì mình chỉ bóc một lớp ken giữa - là một dải bờ biển - một lớp rất mỏng, rồi tư hữu hóa. Như thế lớp đất bên trong sẽ giảm giá trị. Nếu nhìn lại người Chămpa ngày xưa, ý thức về mạch máu này, họ quy hoạch từ Đông sang Tây: ngoài biển là hải cảng, vào sâu một tí là các trung tâm, các đô thị, sau đó càng lên trên cao thì sẽ càng thưa dần, trên cao có thể là các vùng tâm linh.


Bán các dải mỏng ven biển như hiện nay dẫn đến việc hai vùng trong và ngoài sẽ bị cắt đứt, không kết nối được với nhau. Và những dải bị bán, do không có lớp hậu thuẫn bên trong, cũng rất tẻ nhạt. Phát triển du lịch biển không thể chỉ là mặt biển mà còn phải có các lớp văn hóa nằm sâu bên trong. Chưa kể, như ở Đà Nẵng chẳng hạn, do đã bóc hết dải bờ biển cho các resort, về lâu dài vấn đề là dải bờ biển sẽ chỉ ít người được sử dụng. Ấn tượng về một thành phố biển sẽ ít đi, vì người ta ít được ra biển. Một thành phố hàng triệu dân, số người hưởng bờ biển chỉ vài ngàn thì không đáng kể.


Nguy cơ chìm trong nước biển


Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu. Trong số nhiều ảnh hưởng thì quan trọng chính là nước biển dâng. Nước biển dâng lên vài mét thì bờ biển Việt Nam ngập hết. Những dải đồng bằng ven biển, thành phố ven biển đều sẽ bị ảnh hưởng. Dải bờ biển chúng ta dài nhưng lại thấp, đa số bờ biển “mở” chứ không kín nên chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai. Đối phó với những tác động tự nhiên này, chỉ có hai cách. Một là chịu rủi ro, hai là phải khống chế để giảm thiểu.


Về việc chịu rủi ro, đến giờ chúng ta chưa phải chịu nhiều vì chưa xây dựng nhiều. Nhưng khi cả một dải bờ biển xây dựng chật kín, thì chỉ một đợt gió bão hoặc sóng thần vào, vài ngàn khách thiệt mạng là ảnh hưởng tới toàn bộ ngành du lịch ngay. Ở Mỹ, dải bờ biển rất lớn mà khi xây dựng cũng phải lùi vào trong sâu. Mình lại rất liều, xây gần. Nếu tiếp tục xây nhà sát biển như hiện nay, khi mật độ dày lên thì rủi ro không thể lường được.


Nếu dùng kè để giảm thiểu rủi ro sẽ vô cùng tốn kém. Quan trọng hơn, bờ biển khi đó sẽ không đẹp như bây giờ. Và kè cũng không phải là phương pháp hiện đại trong trường hợp này. Ở Hà Lan, người ta đã từng dùng kè, và đang từng bước giải tỏa kè đó, thay bằng những rừng cây ven biển. Nếu muốn làm hiện đại ngay như người Hà Lan, chúng ta phải quy hoạch để làm từng phần, sẽ phải dành rất nhiều chỗ cho thiên nhiên. Trung Quốc hiện đang xây dựng hệ thống bảo hiểm sinh thái quốc gia và gọi đó là hạ tầng sinh thái. Đất nước, cây xanh theo đó được phân bố như thế nào để sinh thái được bền vững. Khai thác biển cũng phải giữ được hạ tầng này.


Với biển - phải nhìn thật sâu vào bờ

Bờ biển Nha Trang bị thu hẹp và nát vụn bởi đủ thứ “rác đô thị”

Những lát cắt biển


Tốt nhất, các thành phố ven biển phải khai thác theo lát cắt dọc. Như phố cổ chẳng hạn, mặt đường là nơi tiềm năng thì các nhà phải hẹp và sâu. Các tiềm năng muốn khai thác tốt thì phải chia nhỏ và thái vào sâu, mới tận dụng được hết.


Nhưng cả nước đã cắt biển theo kiểu băng ngang và nông rồi. Với từng thành phố ven biển cũng vậy. Đó là lỗi từ xưa, từ thời thuộc Pháp, gần như có sự hiểu rằng xây dựng thành phố biển phải có con đường giao thông chính chạy sát biển. Nó chạy sát biển, cắt luôn dải bờ biển ra khỏi phần còn lại. Nha Trang, Bãi Cháy… đều vậy. Nhưng hiện nay trên thế giới người ta đều tìm cách phá con đường đó đi. Thay vào đó, người ta xây dựng những con đường cắt sâu vào trong đất liền và đưa yếu tố biển vào càng sâu bên trong càng tốt.


Sở dĩ ngày xưa người ta làm con đường sát biển bởi đó là thời kỳ chưa có ô tô, mật độ giao thông các thành phố ven biển còn thấp. Nhưng giao thông ô tô là một nhát cắt, đường giao thông càng chính càng là nhát cắt sâu. Đấy là một lỗi quy hoạch rất lớn. Khi mới làm thì những con đường ấy vẫn vắng vẻ, người ta vẫn thấy nó thơ mộng. Nhưng càng về sau càng có vấn đề. Đường Trần Phú ở Nha Trang hiện nay đã là vấn đề rồi, đã là nhát cắt rồi.


Trên thế giới, để phá đi các đường ngang kiểu như thế, người ta làm nhiều dự án khác nhau. Chẳng hạn làm cầu vượt, hoặc chặn đường đó lại thành không gian đi bộ. Vấn đề là làm thế nào để kết nối thật tốt với bên trong bằng đường vuông góc ra biển. Tôi làm chủ trì đề án quy hoạch chung cho Nha Trang, đã đưa vào việc cho phép làm cầu vượt từ các khách sạn thẳng ra ngoài biển. Đề án cũng đề nghị chuyển các đường giao thông chính vào phía trong. Thế nhưng chưa biết người ta sẽ thực hiện như thế nào.


“Hậu phương” của biển


Dịch vụ du lịch không có hậu phương vững chắc phải kể đến Mũi Né.


Về du lịch, cơ bản có hai dạng, cao cấp và đại trà. Dạng thứ nhất, rất cao cấp. Ở Việt Nam cũng có vài chỗ làm được loại cao cấp ấy. Nhưng những chỗ đó là ốc đảo quốc tế, người ta sẽ đến đó bằng những phương tiện như máy bay trực thăng chẳng hạn. Nó chẳng liên quan gì đến địa phương, cũng chẳng mang lại gì mấy cho kinh tế địa phương. Nó sử dụng rất cao cấp một tài nguyên thiên nhiên rất lớn, cho một nhóm người rất nhỏ. Nhưng nó lại không phải một chiến lược có tầm kinh tế vĩ mô, bởi số người phục vụ trong đó rất ít, vô cùng tuyển chọn, và càng biệt lập càng tốt.


Còn dạng du lịch trở thành công nghiệp du lịch được phải là du lịch đại trà, gắn với mua sắm, ẩm thực, văn hóa. Dạng này đòi hỏi phải có đô thị du lịch, đông người, có nhiều loại dịch vụ. Mũi Né vẫn được gọi là “thành phố resort”, tuy nhiên nó không phải là loại du lịch rất cao cấp, mà cũng chưa phải loại có đô thị đi kèm. Do vậy, dù đã được xem là thành công ở Việt Nam nhưng Mũi Né chưa thể được coi là điểm du lịch hút khách, đẻ ra nhiều tiền.


Rõ ràng, nếu không có một chiến lược quy hoạch biển dài hạn thì chúng ta mãi mãi không thể trở thành những “ngôi nhà phố cổ” có thế mạnh về kinh tế được.


TS quy hoạch Phó Đức Tùng

Theo Thể Thao & Văn Hóa
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.