21/04/2011 12:50 AM
Chất lượng FDI hiện nay đang thấp xa so với kỳ vọng. Làm sao để thời gian tới, Việt Nam có thể thu hút một thế hệ FDI mới có công nghệ cao, sản xuất giá trị giá tăng cao, quy trình quản lý hiện đại và bảo vệ môi trường? Thách thức này trước tiên có lẽ nằm ở cách điều hành kinh tế của chính "chủ nhà" Việt Nam.

Suốt 20 năm qua, FDI đổ vào bất động sản

Năm 2007-2008, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục. Các con số cập nhật mỗi tháng tăng cách biệt hàng tỷ USD rất choáng ngợp. Nhưng mới đây, một loạt siêu dự án tỷ USD đã bị rút phép. Cái thời các tỉnh chạy đua thành tích thu hút FDI bằng những con số trên giấy đó đã đi qua?

Vấn đề căn cơ nhất khi mời gọi dòng vốn này phải là chất lượng. Tuy nhiên, bức chân dung về FDI vừa được nhóm nghiên cứu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tại Việt Nam (do VCCI và USAID/VNCI chủ trì) phác thảo mới đây xem ra thật đáng lo ngại.

67% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam là thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp. Tính trung bình trên cả nước, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tham gia vào sản xuất công nghệ hiện đại như ngành công nghệ thông tin và truyền thông, khoảng 5% khác tham gia các dịch vụ khoa học, kỹ thuật, 3,5% tham gia ngành bảo hiểm, tài chính có kỹ năng quản lý hiện đại , lao động trình độ cao.

Tỷ lệ các dự án đầu tư mới của FDI thế hệ tương lai thuộc lĩnh vực này cũng chỉ là 13,5%.


Suốt hơn 20 năm qua, luồng vốn FDI đổ dồn vào bất động sản

Đi kèm với con số trên, đặc điểm nổi bật nhất của FDI được nhóm nghiên cứu mô tả: "quy mô tương đối nhỏ, chủ yếu làm phụ cho các công ty đa quốc gia ở nước ngoài, định hướng chính là xuất khẩu, lợi nhuận thấp". Các hoạt động sản xuất của khối doanh nghiệp này nằm ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm, chỉ là gia công, lắp ráp...

Có thể thấy, nếu như 95% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bị chê là siêu nhỏ, trình độ thấp thì chân dung doanh nghiệp FDI như cũng không "hoành tráng" hơn.

Điều đáng buồn hơn nữa là, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chẳng bắt tay được nhiều với nhóm doanh nghiệp nước ngoài này như làm vệ tinh, đối tác cung cấp hàng hóa, dịch vụ trung gian... Đa phần, các ông chủ FDI đều tìm nguồn nhập nguyên liệu hàng hóa bên ngoài để sản xuất và xuất khẩu. Vì lẽ đó, khi không có sự chuyển giao công nghệ hiện đại đáng kể nào giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam thì cũng có nghĩa, hiệu ứng mà chúng ta mong chờ sẽ lan tỏa cho nền kinh tế trong nước từ khu vực FDI là rất thấp.

Lại nói về cơ cấu dòng vốn FDI vẫn còn bất hợp lý. Trong khi Việt Nam đặt mục tiêu phải thu hút được những doanh nghiệp công nghệ cao, quản lý hiện đại hoặc tạo ra nhiều việc làm thì suốt hơn 20 năm qua, luồng vốn FDI lại đổ dồn vào bất động sản. Năm 2010, kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục giữ ngôi vị số 1 trong tổng số hơn 18 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam.

Trong báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010, VCCI cũng nhận định rằng, Việt Nam đã dành quá nhiều ưu đãi cho các khối doanh nghiệp FDI nhưng lại không thu hút được nguồn vốn đầu tư vào ngành có giá trị gia tăng cao, vô tình lại khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư gia công, sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu là chính. Điều này đã gia tăng sự mất cân bằng cán cân thanh toán thương mại vì nhóm này luôn luôn có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu nhiều.

Nghịnh lý lỗ

Câu chuyện doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ đã được nói tới nhiều song vẫn chưa có hồi kết xử lý. Chỉ thấy rằng, hầu hết các cuộc nghiên cứu về hiệu quả kinh doanh của khu vực kinh tế này đều cho ra những con số rất xấu.

Gần đây là kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 90 doanh nghiệp FDI tại 10 địa phương trên cả nước. Ước tới gần 90% số doanh nghiệp FDI này "bị" lỗ liên tiếp 3 năm 2007-2009, trong đó, có không ít những tên tuổi đại gia trong các ngành bán lẻ, phân phối, may mặc, sản xuất xe máy, mỹ phẩm, đồ gia dụng...

Năm 2007, chỉ có 8 doanh nghiệp lãi trên tổng số 72 doanh nghiệp FDI báo cáo. Tới năm 2008, số doanh nghiệp lãi chỉ còn 2 đơn vị trên tổng số 79 doanh nghiệp thanh tra, đều thuộc tp Hồ Chí Minh. Năm 2009, số các doanh nghiệp lãi chỉ vỏn vẹn là 4 trên tổng số 70 doanh nghiệp và nằm tại Hà Nội và TP.HCM.


Dự án Bãi biển rồng đã bị rút giấy phép

Hai thành phố Hà Nội và TP.HCM có số doanh nghiệp thanh tra nhiều nhất cũng phát hiện, trên 90% là lỗ, như 18/19 doanh nghiệp ở Hà Nội và 18/21 doanh nghiệp TP.HCM. Số lỗ không phải là vài chục tỷ đồng mà là hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Trong khi thực tế các doanh nghiệp này vẫn dường như "sống khỏe", vẫn có những chương trình quảng cáo rầm rộ và mở rộng qui mô kinh doanh.

Sự nghi ngại lỗ giả, lãi thật do chuyển giá ở nhiều doanh nghiệp FDI là tất yếu. Bởi lẽ trước đó, báo cáo doanh nghiệp 2010 của VCCI cũng thống kê cho thấy, khu vực FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ thường lớn nhất so với khu vực doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước, chiếm 30% ở tất cả các ngành và trong suốt các năm từ 2005-2009. Trong đó, ba ngành có tỷ lệ FDI thua lỗ chiếm trên 50% là sản xuất trang phục, viễn thông và xây dựng. Đặc biệt, năm 2007, ngành viễn thông FDI thua lỗ trên 80%.

Tác giả của báo cáo này cũng phân tích rằng, sự thua lỗ đó nhiều khi không phải do kinh doanh kém mà do chuyển giá.

Một biểu hiện khác là với các doanh nghiệp FDI có lãi, các chỉ số đánh giá về năng lực sinh lời lại là cao nhất. Cụ thể như tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) thường xuyên cao nhất, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cũng rất cao.

Tựu chung, các nhóm nghiên cứu đều đánh giá, một nguyên nhân lớn nằm ở trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam.

Làm gì để thu hút FDI "đẳng cấp"?

Nhận diện rõ ràng hình ảnh các doanh nghiệp FDI hiện tại để thấy rằng, Việt Nam cần hướng tới một thế hệ FDI tốt hơn, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia. Đây là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia bởi 5 năm tới, Việt Nam sẽ phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường tính hiệu quả làm hàng đầu.

Các chuyên gia của USAID/VNCI cho rằng, thế hệ các doanh nghiệp FDI tiếp theo sẽ sử dụng qui trình quản lý, công nghệ hiện đại và nguồn lao động dồi dào trong nước, đồng thời, quan tâm hơn đến vấn đề bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội. Như vậy, Việt Nam không chỉ cần những doanh nghiệp FDI tham gia sản xuất hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mà còn cần những doanh nghiệp đầu tư mới vào những khâu giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất hiện nay.

Thế hệ những nhà đầu tư mới này sẽ hoạt động ở những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, thúc đẩy cải thiện chất lượng lao động dịch vụ, cơ sở hạ tầng cho Việt Nam hơn là tận dụng ưu thế chi phí sản xuất rẻ.

Và động lực để có sự chuyển biến về chất của vốn FDI đó phải chính ở cách điều hành kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tại các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, muốn hấp dẫn được những doanh nghiệp FDI "đẳng cấp" đó, chính sách thu hút FDI của Việt Nam phải thay đổi. Đặc biệt, các chính quyền tỉnh phải chú trọng phát triển nguồn lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng như điện, giao thông, chú trọng cả vấn đề tuân thủ hợp đồng.

Phải đặt ngược lại vấn đề rằng, vì sao FDI lại không mua hàng, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam? Phải chăng do năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước hạn chế hay do thiếu một cơ sở dữ liệu cung - cầu giữa hai bên? Nếu vậy, trách nhiẹm xây dựng mạng lưới liên kết này phải nằm ở các trung tâm xúc tiến đầu tư.

20-40% doanh nghiệp FDI phải trả phí bôi trơn khi hoạt động ở Việt Nam! Chốt lại câu chuyện này, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng, các doanh nghiệp FDI thế hệ mới thà từ bỏ ưu đãi thuế để chọn một môi trường kinh doanh minh bạch và hạ tầng tốt hơn.

Cafeland.vn - Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland