Trước thực trạng có nhiều địa phương đề nghị được bổ sung thêm các dự án sân golf vào quy hoạch đến năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị bổ sung thêm 39 dự án

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1946/QĐ- Ttg, cả nước có 90 sân golf nằm trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố. Trước khi có quy hoạch, cả nước có 166 sân golf. Khi xây dựng quy hoạch 76 sân golf vì không đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện hình thành nên đã bị thu hồi.

Việt Nam cần bao nhiêu sân golf?

Về phân bổ các sân golf có trong quy hoạch, các sân này đều gắn với các vùng, địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ. Vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung có 29 dự án sân golf, vùng Đông Nam bộ có 21 dự án, đồng bằng sông Hồng 17 dự án, Trung du miền núi phía Bắc có 11 dự án, Tây Nguyên 8 dự án, đồng bằng sông Cửu Long là 4.

Trong tổng số 90 dự án sân golf trong quy hoạch được duyệt có 24 sân đang hoạt động, 25 sân đang xây dựng, 13 sân được cấp giáy phép chứng nhận đầu tư, 23 sân được chấp nhận chủ trương đầu tư và 5 sân đang được đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch.

Qua kết quả của 24 dự án đã hoạt động bước đầu cho thấy, các dự án đã thu hút được trên 8.000 lao động (trung bình mỗi dự án sử dụng khoản 336 lao động), phần lớn là lao động địa phương với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư so với mức bình quân chung của một số nước trên thế giới thì các sân golf của Việt Nam sử dụng lao động xếp vào hàng cao của thế giới (Trung Quốc 1 sân golf 18 lỗ thu hút 254 lao động, Ấn Độ 48 lao động…).

Kết quả rà soát 90 sân golf nằm trong quy hoạch cũng cho thấy diện tích đất lúa đã giảm từ 28% xuống còn 2% và hoàn toàn không có đất lúa 2 vụ. Đất lâm nghiệp có rừng chủ yếu được sử dụng cho mục đích du lịch sinh thái của nhiều sân golf chiếm 975, chỉ có 3% là đất rừng chuyển sang mục đích khác…

Tuy nhiên qua kiểm tra việc thực hiện quy hoạch này, cơ quan chức năng đã phát hiện 27 sân golf (thuộc 13 tỉnh) nằm ngoài danh mục quy hoạch sân golf theo quyết định của Thủ tướng và không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Trong số đó có 5 dự án đang triển khai xây dựng, 5 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ các cơ quan có thẩm quyền trước khi có quyết định của Thủ tướng.

Thêm nữa, đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận được tờ trình của các địa phương đề nghị Thủ tướng bổ sung 12 sân golf vào quy hoạch của cả nước.

Như vậy, nếu tính cả số sân golf đã có trong quy hoạch (85 sân đã trừ 5 sân đưa ra khỏi quy hoạch) và số sân ngoài quy hoạch (27 sân) và số sân đề nghị bổ sung mới (12 sân) thì tổng số sân theo dự kiến là 124 sân.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ba phương án

Sau khi rà soát, đối chiếu với quy định về điều kiện hình thành và tiêu chí xây dựng sân golf theo Quyết định 1946/QĐ- Ttg của Thủ tướng Chính phủ và qua khảo sát thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng 3 phương án cụ thể sau.

Việt Nam cần bao nhiêu sân golf?

Phương án 1 giữ nguyên các sân golf đến 2020 như đã có trong quyết định là 90 sân (vẫn rút khỏi danh mục quy hoạch 5 sân và bổ sung thêm 5/39 sân hiện còn ngoài quy hoạch).

Ưu điểm của phương án này là số lượng sân golf không tăng, ít gây dư luận có nhiều sân golf.

Song nếu theo phương án này thì hàng năm vẫn phải điều chỉnh và bổ sung vào quy hoạch sân golf và như vậy Quyết định 1946/QĐ- Ttg phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần trong năm. Thêm vào đó, tính ổn định của quy hoạch bị phá vỡ vì vẫn có nhiều địa phương xin bổ sung.

Phương án 2, Bộ cho rằng nên bổ sung một số sân đáp ứng điều kiện hình thành và tiêu chí xây dựng sân golf.

Theo phương án trên, tổng số dự án quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên thành 96 sân. Nếu được chấp thuận thì Uỷ ban Nhân dân tỉnh có 11 sân golf mới gồm Phú Thọ, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… có trách nhiệm hướng dẫn các chủ đầu tư lập dự án, quy hoạch chi tiết để đầu tư xây dựng sân golf theo đúng quy định.

Phương án 3, đó là điều chỉnh tổng thể một lần quy hoạch “cứng” số lượng các sân golf đến năm 2020.

Theo đó, ngoài những tiêu chí và điều kiện bắt buộc được quy định tại quyết định 1946 cần thiết phải có thêm các quy định chặt chẽ hơn về các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch. Cụ thể là về tiến độ thực hiện, năng lực tài chính của chủ đầu tư, vấn đề giải quyết việc làm và bảo vệ môi trường. Ở các thành phố lớn, các khu du lịch trọng điểm và các khu đô thị sẽ dành một số địa điểm để xây dựng sân golf phục vụ cộng đồng theo hướng dành một số buổi/tuần cho cộng đồng.

Nếu phương án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quy hoạch “cứng” số sân golf tại Việt Nam sẽ là 118 gồm 85 sân đã có trong quy hoạch cũ và bổ sung thêm 33/39 sân nằm ngoài danh mục đã quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án này có ưu điểm là 118 dự án đáp ứng được các tiêu chí và điều kiện hình thành đều là các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch cao, là vùng đất cát, đất đồi núi trọc, không có khả năng sản xuất nông nghiệp và trồng rừng và đặc biệt là không sử dụng đất lúa, đất màu.

Ngoài ra, với số lượng này đến năm 2020 cũng không phải bổ sung quy hoạch. Quy hoạch sân golf được công khai, không bị phá vỡ.

Bộ sẽ trực tiếp quản lý Nhà nước về quy hoạch sân golf, chịu trách nhiệm xem xét, thẩm định, điều chỉnh và bổ sung các dự án sân golf có trong quy hoạch 118 sân điều chỉnh lần này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi giao về cho địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư, không xem xét bổ sung thêm số lượng sân.

Phương án này còn giải quyết cơ bản được tình trạng tiếp tục đề nghị bổ sung sân golf của các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện.
Theo Văn Kỳ Thanh (Tamnhin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0