09/05/2015 7:50 PM
Sau 3 năm ban hành chính sách hỗ trợ 10% cho người dân nộp tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày, đầu tháng 5-2015, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định hủy chủ trương trên. Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với đồng chí Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP về vấn đề này như sau:

P.V: Xin đồng chí cho biết tình hình nợ đọng tiền sử dụng đất của các hộ dân đến thời điểm này?

Đồng chí Võ Duy Khương: Để phục vụ cho việc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị, trong nhiều năm qua, Đà Nẵng đã di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư hơn 100 ngàn hộ dân. Từ đó đến nay hàng ngàn hộ dân này vẫn còn nợ tiền sử dụng đất, mặc dù các cơ quan ban, ngành có liên quan vận động, yêu cầu đôn đốc, thậm chí có chính sách hỗ trợ khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất phải làm nghĩa vụ với thành phố.

Tuy nhiên, đến ngày 30-4-2015, trên địa bàn TP vẫn còn 11.990 hộ dân nợ tiền sử dụng với số tiền nợ (nợ gốc) là 1.618 tỷ đồng. Có thể nói được sự đồng thuận của người dân, Đà Nẵng làm tốt công tác giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư và có nhiều giải pháp thực hiện để không ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân. Tất cả các hộ bị giải tỏa, di dời đều được bố trí tái định cư, đền bù thỏa đáng ổn định cuộc sống thì đến nay cũng cần xác định nghĩa vụ của mình với TP.

P.V: Lãnh đạo TP từng khẳng định việc giảm 10% là hình thức hỗ trợ khuyến khích các hộ dân giải tỏa nộp tiền vào ngân sách để tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Vì sao đến nay TP lại hủy chủ trương hỗ trợ này?

Đồng chí Võ Duy Khương: Năm 2012 việc suy thoái của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của thành phố (năm 2012 thành phố không hoàn thành dự toán thu được giao, nguồn thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 44,25% so với dự toán giao); mặt khác lãi suất tại các ngân hàng thương mại tại thời điểm đó là khá cao (lãi suất vay bình quân năm 2011 là: 18,21%, năm 2012 lãi suất vay là: 14,18%).

Vì vậy, để khuyến khích các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân huy động vốn nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 23/2011/NQ-HĐND ngày 23-12-2011 của HĐND thành phố về nhiệm vụ năm 2012; UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 10625/QĐ-UBND ngày 20-12-2012 quy định hỗ trợ lãi suất bằng 10% tổng số tiền sử dụng đất phải nộp, nếu các tổ chức, cá nhân được UBND thành phố giao đất nộp đủ tiền sử dụng đất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng giao quyền sử dụng đất.

Đến nay, lãi suất ngân hàng đã giảm hơn rất nhiều (chỉ còn khoảng 7%); Luật Đất đai 2013 cũng đã có nhiều thay đổi so với Luật Đất đai 2003; đối với các tổ chức thì chỉ cho thuê đất và chủ yếu phải thông qua hình thức đấu giá (các đối tượng giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua đấu giá chủ yếu là bố trí tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ...). Vì vậy việc hỗ trợ lãi suất 10% nêu trên là không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, đối với việc hỗ trợ trả nợ sớm tiền sử dụng đất khi bố trí đất tái định cư, Chính phủ đã quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 về thu tiền sử dụng đất và UBND thành phố đã cụ thể hóa tại Quyết định số 323/QĐ-UBND ngày 19-01-2015: các hộ giải tỏa khó khăn được ghi nợ tiền sử dụng đất tối đa 5 năm, nếu trả nợ trước hạn thì được hỗ trợ theo mức 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn, điều này cũng khuyến khích các hộ dân đang nợ tiền sử dụng đất trả nợ sớm để được hưởng mức hỗ trợ.

Như vậy, việc thành phố hủy chủ trương hỗ trợ lãi suất là phù hợp với tình hình thực tế và đúng với các quy định hiện hành của Trung ương.

Kể từ ngày 4-5, người dân nộp tiền sử dụng đất trước hạn không còn được hỗ trợ lãi suất 10%.

P.V: Nhiều người dân cho rằng, đến nay lãi suất NH đã giảm xuống dưới 7%/năm, nên chăng thành phố nên có quy định nộp tiền trước được hỗ trợ bằng lãi suất ngân hàng để khuyến khích người nộp vừa thu được ngân sách vừa là một chính sách nhân văn hướng đến người dân?

Đồng chí Võ Duy Khương: Như đã nói ở trên, hiện nay Chính phủ đã có quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 về thu tiền sử dụng đất, trong đó các hộ giải tỏa khó khăn được ghi nợ tiền sử dụng đất tối đa 5 năm, nếu trả nợ trước hạn thì được hỗ trợ theo mức 2%/năm của thời hạn trả nợ trước hạn. Như vậy tính cho 5 năm thì các hộ dân giải tỏa khó khăn cũng đã được hỗ trợ 10%. Thực ra, chính quyền TP luôn hướng đến người dân bằng các chính sách thiết thực như “có nhà ở”, “chính sách an sinh xã hội”,... Tuy nhiên, người dân cũng cần chia sẻ trách nhiệm của mình với thành phố.

P.V: Sau thời gian rà soát đất tái định cư, Đà Nẵng phát hiện thừa khoảng 14.000 lô đất và TP có chủ trương bán đấu giá cho cán bộ công chức và người dân để thu ngân sách. Liệu hủy quy định này có khuyến khích người mua trả tiền một lần?

Đồng chí Võ Duy Khương: Thành phố đang xây dựng phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất còn thừa nhằm mục đích giải quyết chỗ ở cho cán bộ công chức và người dân đang có khó khăn về nhà ở. Việc bán đấu giá phải tuân thủ theo quy định của Pháp luật, người trúng đấu giá phải nộp tiền theo giá trúng đấu giá và không thể áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất hay miễn giảm tiền sử dụng đất 2%/năm thanh toán trước hạn như đối tượng được bố trí tái định cư.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Xuân Đương (Công an Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.