03/05/2014 3:50 PM
Chính phủ đã chi hàng trăm tỷ đồng để xây dựng tòa nhà 18 tầng trên diện tích đất 1,3ha dành cho nơi làm việc mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ này cũng đã di dời đến nơi làm việc mới từ năm 2012. Vì sao đã hai năm qua Bộ này vẫn không trả lại trụ sở cũ?
Trụ sở cũ của Bộ TN&MT trên đất “vàng” Nguyễn Chí Thanh...
Thực hiện Quyết định số 09 (năm 2007) của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, nhiều Bộ, ngành đã chi số tiền rất lớn để tiến hành xây dựng trụ sở mới và di dời ra ngoài nội đô thành phố theo chủ trương nói trên. Để thực hiện chủ trương đúng đắn này, UBND TP.Hà Nội cũng đã dành quỹ đất gần 100ha để sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở mới cho những cơ quan Bộ, ngành cần di dời.
Theo đó, tính đến nay đã có 8 Bộ, ngành đã thực hiện chủ trương di dời, 11 Bộ, ngành khác cũng đã được chấp thuận chủ trương di dời ra khỏi khu vực nội đô thành phố.
Trụ sở mới rộng gấp 3 lần nơi làm việc cũ
Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù đã có trụ sở mới khang trang nhưng nhiều đơn vị vẫn “cố thủ” không chịu trả lại đất “vàng” cho cơ quan quản lý.
Theo đó, ngày 10/2/2009, Bộ TN&MT đã tiến hành xây dựng với nguồn kinh phí lên đến 372 tỷ đồng và chính thức đưa vào sử dụng trụ sở mới tại quận Cầu Giấy vào ngày 15/5/2012. Trụ sở mới của Bộ TN&MT là tòa nhà cao 18 tầng, có tổng diện tích sàn là 27.590m2, án ngữ trên khu đất rộng 1,38ha tại địa chỉ lô 24D thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy. Với quy mô này, cơ ngơi mới của Bộ TN&MT đã rộng gấp 3,8 lần so với trụ sở cũ (1,38ha so với 0,36ha).
Mặc dù đã chuyển về nơi mới gần hai năm nhưng Bộ TN&MT vẫn không bàn giao trụ sở cũ ở địa chỉ 83 Nguyễn Chí Thanh cho cơ quan quản lý, ngược lại Bộ này lại giao cho doanh nghiệp trực thuộc là TCty TN&MT Việt Nam sử dụng. Đến đầu tháng 4/2014, nhận thấy để doanh nghiệp “trông đất” như vậy không ổn, Bộ mới chỉ đạo doanh nghiệp nói trên chuyển đi.
Tuy nhiên, vẫn giữ quyết tâm không “nhả” đất “vàng”, sau khi “đuổi” TCty TN&MT Việt Nam rời khỏi địa chỉ 83 Nguyễn Chí Thanh, Bộ TN&MT đề xuất đưa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam vào sử dụng trụ sở nói trên. Theo đó, trụ sở tại 83 Nguyễn Chí Thanh sẽ được cải tạo, sửa chữa thành khu liên cơ quan cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và một số đơn vị thuộc Bộ làm việc.

... và trụ sở mới rộng gấp 3 lần trị giá 400 tỷ đồng tại phố Tôn Thất Thuyết.
Ảnh: Việt Hưng

Thương vụ bất thành

Theo điều tra riêng của Pháp luật Việt Nam, một trong những lý do Bộ TN&MT đề xuất đưa cơ quan trực thuộc tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, bởi trước đó, Bộ này đã lên kế hoạch bán trụ sở 83 Nguyễn Chí Thanh nhưng bất thành.

Theo đó, để có tiền xây dựng trụ sở mới tại đường Tôn Thất Thuyết, Bộ này đã “dạm hỏi” nhiều doanh nghiệp bán khu đất “vàng” tại 83 Nguyễn Chí Thanh cho các nhà đầu tư có nhu cầu. Tuy nhiên, thương vụ này chưa được UBND TP.Hà Nội chấp thuận.
Tài liệu Pháp luật Việt Nam có được cho thấy, thực hiện Quyết định số 09 (năm 2007) của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Bộ TN&MT đã hoàn thành phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc Bộ gửi UBND TP.Hà Nội và Bộ Tài chính thẩm định. Bộ này đề nghị bán, chuyển nhượng đối với cơ sở nhà, đất tại số 83 Nguyễn Chí Thanh để đầu tư xây dựng Khu liên cơ các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ tại cơ sở nhà, đất Trung tâm Giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở xã Minh Khai (huyện Từ Liêm) để tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng “tập trung và hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả điều hành” nên đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thực hiện việc bán, chuyển nhượng.
Tuy nhiên, đối tác muốn tham gia đầu tư dự án lại không thể “bắt tay” với Bộ TN&MT, bởi phía UBND TP.Hà Nội cho rằng không có cơ sở để xác định giá bán đấu giá quyền sử dụng đất để bán đấu giá theo quy định, vì chưa có thông tin quy hoạch kiến trúc đối với các cơ sở nhà, đất tại địa chỉ này, chưa có quy hoạch chi tiết cũng như quy chế quản lý quy hoạch chung…
Cuối năm 2013, cụ thể vào tháng 11, UBND TP.Hà Nội chính thức có Văn bản số 8286 đề nghị Bộ TN&MT giữ nguyên hiện trạng khu đất và công trình 83 Nguyễn Chí Thanh khi chưa có Quy hoạch phân khu đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP.Hà Nội và thiết kế đô thị khu vực.
Cũng kể từ đó, việc chuyển nhượng khu đất cho đối tác chính thức chấm dứt bởi các ý tưởng làm dự án cao ốc văn phòng hay chung cư của đối tác phải gác trên khu đất của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin nói rằng, cái lý mà Bộ TN&MT xin bán đất cho nhà đầu tư để xây dựng cao ốc thể nào rồi cũng sẽ được chấp thuận, bởi ngay đối diện bên kia đường, dự án tổ hợp văn phòng, thương mại, căn hộ và trường mầm non cao 30 tầng tại số 56 đường Nguyễn Chí Thanh (cùng phường Láng Thượng) của Vietronics đã được cơ quan quản lý cho phép xây dựng. “Không lẽ Bộ “thua” doanh nghiệp?” – một ý kiến đặt vấn đề.
Việc Hà Nội từ chối để Bộ TN&MT bán trụ sở đã buộc Bộ này “chuyển hướng” tiếp tục “cố níu” đất “vàng” bằng cách đề xuất đưa Tổng cục biển và Hải đảo Việt Nam tiếp quản cơ ngơi tại 83 Nguyễn Chí Thanh.
Cấm đưa “người nhà” tiếp tục sử dụng trụ sở cũ
Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì tài sản này là tài sản quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Bộ Tài chính đã lên tiếng phản bác ý định đưa Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sử dụng trụ sở cũ tại 83 Nguyễn Chí Thanh của Bộ TN&MT.
Theo đó, ngày 11/4/2014 Bộ Tài chính đã có Văn bản số 4721 gửi Văn phòng Chính phủ cho biết Bộ này đã có Văn bản số 3862 gửi Bộ TN&MT đề nghị không thực hiện sửa chữa, cải tạo trụ sở cũ tại 83 Nguyễn Chí Thanh; đồng thời không bố trí cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ vào sử dụng tại cơ sở nhà, đất này. Bộ Tài chính cũng yêu cầu Bộ TN&MT chấm dứt việc cho thuê và nộp toàn bộ số tiền thu được từ việc cho thuê cơ sở nhà, đất nói trên vào ngân sách nhà nước.
Chủ trương di dời trụ sở các Bộ ra khỏi nội thành là chủ trương đúng đắn, điều này góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực cho hạ tầng đô thị, đặc biệt là giải bài toán giao thông, đáp ứng nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên trên thực tế, mặc dù có trụ sở mới khang trang nhưng các “tổ ấm” cũ của những đơn vị này vẫn chưa được bàn giao lại cho UBND TP.Hà Nội quản lý như trường hợp của Bộ TN&MT được dẫn trên.
Liên quan đến việc một số Bộ sau khi chuyển tới trụ sở mới vẫn giữ trụ sở cũ, phía Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho hay đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo hướng giải quyết.
Thực hiện chủ trương di dời các Bộ, ngành ra khỏi Hà Nội, hiện tại một số bộ như Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ đã có trụ sở mới nhưng vẫn chưa trả lại trụ sở cũ. Vậy Chính phủ sẽ có phương án giải quyết như thế nào và kế hoạch bao giờ thì các Bộ này phải trao trả lại tài sản?
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (trả lời phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4): “Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có một số cơ quan có kế hoạch di dời. Trước khi di dời thì phải xây trụ sở mới và hoàn chỉnh xong rồi sẽ di dời. Trong khi xây trụ sở mới, một số cơ quan vẫn còn phải giải quyết công việc, các mối quan hệ… thuộc trọng trách của cơ quan quản lý nhà nước nên chưa cách ly được. Điều này là chúng tôi được biết như thế”.
Việt Hưng (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.