Chiều ngày 14/4, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự Quản lý kinh tế và chức vụ (PC46); Công an TP HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam, tiến hành khám xét đối với 3 bị can là lãnh đạo Công ty Quản lý và phát triển nhà (QLPT nhà) quận 5.

Hành trình sai phạm

Theo quyết định đưa ra, các bị can Mai Văn Dũng (Giám đốc công ty), Hà Văn Tuấn (Kế toán trưởng công ty), Phan Việt Tiến (Đội trưởng Đội thi công số 3) đã có hành vi "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

Theo kết quả điều tra, từ tháng 1/2005 đến 5/2009, ông Mai Văn Dũng giao cho Đội 3 thi công xây dựng 28 công trình trong và ngoài địa bàn Tp HCM. Do không có vốn để triển khai các dự án, Phan Việt Tiến đề nghị Mai Văn Dũng dùng nguồn tiền vay của ngân hàng cho Tiến mượn tạm để có tiền xây dựng. Ông Tiến thỏa thuận sẽ trả vốn và lãi cho ngân hàng thay công ty.

Ông Mai Văn Dũng và Hà Văn Tuấn đã chi tạm ứng và cho Tiến vay trên 103 tỉ đồng. Để có được số tiền trên, ông Dũng và Tuấn vay ngân hàng 43,3 tỉ đồng và tiền tạm ứng 59,9 tỉ đồng. Số tiền này vượt xa giá trị thực hiện công trình. Dù vậy, ông Mai Văn Dũng và Hà Văn Tuấn không tổ chức theo dõi, quản lý việc sử dụng tiền để thu hồi vốn khi chủ đầu tư thanh toán cho Công ty QLPT nhà quận 5. Chính từ kẽ hở này đã tạo điều kiện cho Phan Việt Tiến tùy tiện sử dụng số tiền lớn.

Sau khi nhận tiền vốn vay ngân hàng và tiền tạm ứng từ Công ty QLPT nhà quận 5, Phan Việt Tiến đã không nhập vào quỹ của Đội 3 mà tự quản lý sử dụng. Công trình nào cần tiền mua vật tư và chi phí trả nhân công, Tiến mới tiến hành xuất tiền. Số tiền còn lại, Phan Việt Tiến dùng một phần sử dụng làm "chi phí ăn nhậu" và để "lại quả" cho chủ đầu tư theo thỏa thuận ban đầu. Phần còn lại, Tiến dùng để chi tiêu cá nhân.


Cao ốc 1015 Trần Hưng Đạo và ông Mai Văn Dũng, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 5.

Trong phần tiền chiếm dụng, Phan Việt Tiến mua 2 xe ôtô hiệu Ford Laser và Toyota Zace cho vợ đứng tên. Số tiền vung tay quá lớn, Tiến không cân đối được tài chính chi cho từng công trình, không xác định được lãi, lỗ nên dẫn đến thất thoát trên 30 tỉ đồng.

Khuất tất trong việc bán đấu giá cao ốc

Chuyện ông Mai Văn Dũng bị bắt không gây bất ngờ trong dư luận, bởi trước đó, kết luận của Thanh tra Tp HCM đã xác định trách nhiệm của ông Mai Văn Dũng trong hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Để cải tạo chung cư 1015 Trần Hưng Đạo đã xuống cấp trầm trọng, UBND Tp HCM đã thu hồi và giao đất cho Công ty QLPT nhà quận 5 thực hiện đầu tư dự án cao ốc văn phòng cho thuê. Thực hiện chủ trương trên, Công ty QLPT nhà quận 5 đã bồi thường cho các hộ dân trong chung cư số tiền 10,7 tỉ đồng. Ngày 20/7/2005, ông Mai Văn Dũng ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Kinh doanh Nhà Phú Hào (Công ty Phú Hào) cùng đầu tư khai thác khu đất 1015 Trần Hưng Đạo để xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Tổng số vốn đầu tư vào dự án gần 40 tỉ đồng với diện tích sàn xây dựng 2.472,75m2. Trong đó, Công ty QLPT nhà quận 5 góp 45% vốn bằng quỹ đất, vốn tương ứng 18 tỉ đồng và Công ty Phú Hào góp 55%, trị giá 22 tỉ đồng.

Hợp đồng chỉ vừa ráo mực đến ngày 25/12/2006, ông Mai Văn Dũng tiếp tục ký Phụ lục hợp đồng và chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 1015 Trần Hưng Đạo cho Công ty Phú Hào với số tiền là 18 tỉ đồng. Tính trung bình vào thời điểm đó, mỗi mét vuông đất có giá 50.704.225 đồng, trong khi thời giá thị trường khi đó được xác định 200 triệu đồng/m2. Theo kết luận của Thanh tra TP, việc ông Dũng ký hợp đồng chuyển nhượng nói trên là vượt thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai. Vì thời điểm đó, Công ty QLPT nhà quận 5 chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chưa hoàn tất việc xây dựng công trình cao ốc văn phòng. Việc làm của ông Giám đốc Công ty QLPT nhà quận 5 gây thất thu cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Đến tháng 12/2007, nhằm qua mặt cơ quan chức năng để hợp thức hóa các hành vi sai phạm, Công ty QLPT nhà quận 5 đã có công văn gửi UBND quận 5 xin chủ trương chuyển nhượng quyền khai thác sử dụng và cho thuê cao ốc 1015 Trần Hưng Đạo; đồng thời xin được tổ chức đấu thầu chào giá cạnh tranh. Thực tế, Công ty QLPT nhà quận 5 chỉ lập hồ sơ mời thầu, biên bản mở thầu nhưng không thuê đơn vị tư vấn đấu thầu, không lập tổ chuyên gia xét thầu, không có phê duyệt kết quả đấu thầu của cơ quan có thẩm quyền.

Trong 3 đơn vị tham gia dự thầu, có tới 2 đơn vị không có chức năng kinh doanh cao ốc văn phòng (?). Nghiễm nhiên, Công ty Phú Hào trúng đấu giá với số tiền 18 tỉ đồng và bằng đúng với số tiền mà giữa Công ty QLPT nhà quận 5 và Công ty Phú Hào đã thỏa thuận trước đó.

Không lâu sau, Sở Xây dựng Tp HCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình cao ốc với thời gian sử dụng đến năm 2054. Sau khi cao ốc 1015 Trần Hưng Đạo hoàn thành và đưa vào sử dụng, vào tháng 7/2007, Công ty Phú Hào đã ký hợp đồng cho một ngân hàng thuê lại toàn bộ diện tích cao ốc với giá 35.000 USD/tháng.

Quá trình thanh tra phát hiện, mặc dù Công ty Phú Hào đã thanh toán đầy đủ 18 tỉ đồng để mua "đứt" quyền sử dụng toàn bộ cao ốc cũng như tự bỏ vốn ra để xây dựng nhưng Công ty QLPT nhà quận 5 vẫn yêu cầu Công ty Phú Hào chia lợi nhuận từ hợp đồng cho thuê với ngân hàng trên với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng theo hợp đồng hợp tác đầu tư đã ký lúc đầu. Mặc dù đòi hỏi này không có cơ sở nhưng phía Công ty Phú Hào vẫn đồng ý chấp nhận.

Theo kết luận thanh tra, việc thỏa thuận chuyển nhượng đất là vượt thẩm quyền, chuyển nhượng đất khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai. Việc tự định giá khu đất 18 tỉ đồng để hợp tác đầu tư, rồi chuyển nhượng là không có cơ sở pháp lý, không đúng quy định (theo quy định phải thuê đơn vị tư vấn định giá); tổ chức đấu thầu bất hợp pháp, vi phạm Luật Đấu thầu.

Cafeland.vn - Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland