26/07/2011 2:29 AM
Dư luận đang quan tâm đến chủ trương giãn dân khu phố cổ của Hà Nội. Giãn dân như thế nào để đảm bảo vấn đề dân sinh và giữ gìn được những đặc trưng văn hóa của khu vực này đòi hỏi những ứng xử khéo léo. KTS. Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội KTS VN đã chia sẻ về vấn đề này.
Về vấn đề giãn dân phố cổ Hà Nội: “Tránh dùng dao bầu mổ chim sẻ”
Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện.
- Chủ trương giãn dân phố cổ được Hà Nội đề ra đã lâu, nay đang bước đầu thực hiện. Theo ông, việc này có thể đẩy nhanh tiến độ được không?

- Quản lý, nâng cấp, xây dựng như thế nào là những việc rất tỉ mỉ. Bởi đây không chỉ là việc đưa một bộ phận dân cư ra khỏi phố cổ mà còn liên quan đến đời sống, công ăn việc làm của người ta cùng những cách sống của người dân phố cổ.


- Nhưng hiện nay, khu vực này đang chịu nhiều áp lực về mật độ dân số, mật độ giao thông, mức độ xuống cấp của nhiều khu nhà và yêu cầu bảo tồn phố cổ…!


- Phải làm tương đối khẩn trương nhưng không có nghĩa là ồ ạt. Chúng ta quen “dùng dao bầu mổ chim sẻ”, giờ thì phải khác. Giãn dân, người ta sẽ sống tiếp như thế nào là điều phải suy nghĩ. Phải có những nghiên cứu về hoạt động kinh tế, nếp sống ở phố cổ. Phải xây dựng được những kế hoạch sau khi một số khu vực, hộ dân đã giảm, việc sửa chữa, trùng tu nhà cổ sẽ được thực hiện như thế nào? Tổ chức đời sống của các hộ gia đình thế nào? Ở đây đòi hỏi những biện pháp giải quyết cả về kiến trúc, kinh tế, văn hóa, xã hội… và quá trình làm việc với từng nhà một. Tôi chưa hình dung được hàng nghìn con người sẽ rời phố cổ như thế nào.


- Cải tạo nhà cửa cũng là một mục đích của giãn dân. Trước đây cũng đã có một số ngôi nhà, tuyến phố được trùng tu, chỉnh trang. Trong tương lai, việc này cần tiếp tục như thế nào?


Về vấn đề giãn dân phố cổ Hà Nội: “Tránh dùng dao bầu mổ chim sẻ”
Phố cổ Hà Nội xưa.

- Nhà phố cổ vốn cũng chẳng còn nhiều bởi những năm qua đã có quá nhiều nhà mới mọc lên thay thế. Mỗi ngôi nhà cần có sự nghiên cứu cẩn thận để có phương án tu sửa, bảo tồn chứ không thể rập khuôn. Những việc này phải kết hợp với gia chủ bởi nhiều nhà có những kiểu dáng riêng, có đời sống riêng qua bao thế hệ. Người dân phải thấy quyền lợi của họ gắn sít sao với những công việc đó.


- Nhiều người đang coi du lịch sẽ là một chiếc chìa khóa cho phát huy giá trị khu phố cổ khi giãn dân!


- Phải kết hợp với du lịch thì mới phát triển được. Nhưng du lịch phải làm toát lên được những nét độc đáo của phố Hà Nội. Trong trí nhớ của tôi và một số người, ngày xưa, các hoạt động đều diễn ra trong nhà, buôn bán có giờ giấc. Còn bây giờ nhà cửa chật chội quá, người ta tranh thủ lao ra hè, đường đến mức có người còn ngộ nhận đó là sinh hoạt phố cổ. Bây giờ vừa gắn với kinh tế, vừa tạo điều kiện cho du lịch, phải có sự quản lý của Nhà nước chứ không thể bung ra thế được. Song song với tổ chức lại đời sống cho các cụm dân cư, nên giữ lại những đặc trưng lối sống của người dân phố cổ. Đưa ra việc giãn dân là thực hiện vấn đề văn hóa. Đó mới là cái khó chứ không phải có tiền là làm được!


- Hà Nội còn có khu phố cũ với những ngôi nhà pha trộn phong cách kiến trúc Đông – Tây. Chắc cũng phải sớm có chương trình bảo tồn, phát huy khu vực này như sẽ làm với khu phố cổ?


Về vấn đề giãn dân phố cổ Hà Nội: “Tránh dùng dao bầu mổ chim sẻ”
Phố cổ Hà Nội hôm nay.

- Ngay trong những tòa nhà ấy có khi nhiều gia đình đang cùng sinh sống, cơi nới làm biến dạng, xuống cấp và cũng đứng trước vấn đề không đảm bảo chất lượng sống. Và không chỉ ở khu vực này, ngay trong khu phố cổ cũng có nhiều ngôi nhà như thế cần giải quyết.


- Xin cảm ơn ông!

* KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS VN: “Di dân là thay đổi lối sống”

Có thể ví phố cổ như một cái chợ rất đặc biệt. Trong sự sống động của phố cổ có những dấu vết còn lại của văn hóa làng xã được nâng lên văn minh đô thị. Đã có nhiều luận án TS từ phố cổ mà ra nhưng đã bao nhiêu cái áp dụng được? Thực hiện di dân là thay đổi một lối sống, điều đó không dễ dàng chút nào. Quá trình này đòi hỏi rất minh bạch và dân chủ.

* KTS. Lê Quang Ngọc – Giám đốc Công ty cổ phần kiến trúc xây dựng số 1 Hà Nội: “Làm gì để chống tái tăng dân số ở phố cổ”


Giàu xứ quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ. Từ xưa đến nay, bao nhiêu người tụ về khu vực này để sinh kế. Giãn dân, một bộ phận dân cư đi rồi, nhưng người tứ xứ vẫn cứ về Hà Nội, về phố cổ thì phải ngăn sự gia tăng thế nào? Cũng cần nghiên cứu tái hiện 36 phố nghề Hà Nội.

* KTS. Phạm Quang Sơn – Công ty cổ phần thiết kế và xây dựng Đông Dương: “Cần có quy chế hoạt động trong phố cổ”

Trước mắt, cần di chuyển một số hộ dân quá tải và không đảm bảo môi trường sống. Cần đưa ra quy chế hoạt động trong khu phố cổ, có định hướng phù hợp với xu thế phát triển xã hội; tái hiện hình ảnh khu đô thị cổ của Hà Nội cho một vài điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh đó, khôi phục các công trình có giá trị lịch sử, tuyệt đối không để tái diễn việc xâm phạm của nhà dân.


Hoàng Thi (ghi)


Theo Dương Xuân (SKĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.