08/11/2012 7:48 AM
Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hải Phòng Trần Ngọc Vinh đề nghị, cần quy định: khi thanh tra, phát hiện dự án treo, để đất hoang hóa thì phải làm rõ trách nhiệm của người ký, kể cả người này đã nghỉ hưu hay chuyển công tác.

- PV: Thưa ông, vì sao thời gian qua có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với quyết định hành chính về đất đai?

- Ông Trần Ngọc Vinh: Lý do thì nhiều, một trong số đó là giá đền bù đất giải phóng mặt bằng (GPMB) trên cùng một địa bàn không thống nhất. Hiện, chúng ta đang áp dụng giá điều chỉnh hàng năm, đây là khoảng thời gian rất ngắn, nên xảy ra tình trạng chị A nhận tiền đền bù vào tháng 11 năm trước thấp hơn hẳn anh B nhận tiền đền bù vào tháng 1 năm sau. Cách nhau có 3 tháng mà rất thiệt thòi, nên đi khiếu kiện. Theo tôi chính sách về giá đất phải ổn định từ 3-5 năm.

- Giá đền bù đất GPMB chưa theo sát giá thị trường đã tồn tại lâu nay, theo ông vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?

- Tại thời điểm thu hồi đất phải tính theo giá thị trường và nhất quán thực hiện từ đầu đến cuối. Tôi lấy 2 ví dụ: Một hộ gia đình có nhà trong ngõ, diện tích 40m2. Thế nhưng khi đền bù chỉ được nhận chừng 100 triệu đồng. Gia đình này muốn mua đất tái định cư, mà giá mảnh đất đó lại lên tới 300 triệu đồng, vậy làm sao người ta mua nổi và sẽ sinh ra tình trạng “bán lúa non”. Ví dụ thứ hai rất điển hình: người nông dân có khoảnh đất nông nghiệp khoảng 2 sào, hàng ngày vẫn sản xuất ra nông sản, bán đi kiếm sống. GPMB, lấy đất của họ, đền bù thấp và không tạo công ăn việc làm. Người nông dân đem tiền đi mua tivi, tủ lạnh, xe máy… thế là hết tiền. Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã đặt vấn đề, đối với những trường hợp như trên thì nhà nước phải hỗ trợ bù giá, giúp dân có đất tái định cư.

- Hiện nay trên toàn quốc còn nhiều dự án dang dở, đất đai để hoang hóa hoặc sai mục đích sử dụng. Cần có chế tài gì đối với các dự án này?

- Cần phải rà soát lại một cách tổng thể, kỹ lưỡng tất cả các dự án đó và cương quyết tổ chức thu hồi nếu quá thời hạn. Quỹ đất dư thừa để làm khu tái định cư phải được đưa lên sàn để mời thầu, tránh việc đi “ngầm”. Nếu vướng mắc trong việc chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng thì nhà nước cần đền bù cho doanh nghiệp.

- Các ĐBQH đã có số liệu chính thức về các dự án treo chưa, thưa ông?

- Hiện nay chưa có số liệu cụ thể nào.

- Còn về trách nhiệm của người cấp, ký những dự án này?

- Việc này phải quy định rõ, cán bộ cấp, ký dự án thì đồng nghĩa có trách nhiệm thanh tra kiểm tra cho tới nơi tới chốn. Chế tài hiện nay chưa rõ chỗ này. Cần đưa ra quy định, kể cả cán bộ đã về hưu hoặc thay đổi công tác, nhưng khi thanh tra, rà soát lại mà phát hiện vi phạm thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo Cao Minh (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.