Nhiều năm qua, TPHCM đã nỗ lực xây nhà tái định cư, đảm bảo cuộc sống cho người dân tại nơi ở mới. Thế nhưng, nhiều người ở khu tạm cư An Phú - Bình Khánh (quận 2), Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang sống trong tình cảnh trầy trật.

Sống tạm bợ

Theo quy định, khi giải tỏa để xây dựng khu tái định cư (TĐC), chủ đầu tư phải bảo đảm cho các hộ thuộc diện di dời có cuộc sống tốt hơn hoặc tối thiểu phải bằng so với lúc trước. Tuy nhiên, thực tế thì khác. Dọc hai bên đường Lương Định Của (quận 2) đang xuất hiện những khu vực giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Sau hơn hai năm triển khai, dự án (DA) này vẫn dẫm chân tại chỗ, người dân diện giải tỏa đang sống lay lắt từng ngày ở khu tạm cư (KTC). Ngồi trong căn nhà chật chội, tối tăm, ông Nguyễn Văn Nam (60 tuổi) buồn rầu kể: “Gia đình tôi có 12 thành viên. Lúc trước sống ở khu phố 1, phường Bình Khánh (quận 2) nằm trong diện giải tỏa, chúng tôi phải dời qua KTC An Phú (quận 2). Chúng tôi phải sống chung trong căn phòng chỉ vỏn vẹn 20m2, mái và vách bằng tôn rất nóng bức. Ban ngày nóng không chịu được, đêm không có chỗ ngủ”. Gia đình bà Trần Thị Bích Nhung có ba thành viên cũng chịu cảnh tương tự. Vốn làm nghề cho thuê áo cưới nhưng từ khi dời qua KTC thì hầu như bà không kinh doanh gì được, đành bỏ nghề. “Bây giờ gia đình tôi phải sống bằng nguồn thu nhập từ đồng lương công nhân của chồng, nơi đây không thể buôn bán làm ăn gì được”, bà Nhung rầu rĩ.

Người dân ở khu tạm cư An Phú - Bình Khánh (quận 2) đang phải sống trong cảnh tạm bợ, khó khăn

Khu chung cư Bình Khánh (quận 2) là một trong những chung cư nằm trong chương trình 12.500 căn hộ phục vụ nhu cầu TĐC của DA khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện tại, chung cư chỉ có một số ít người tới sinh sống. Anh Phạm Hoàng Nam, sống ở căn hộ B6 - 13 than thở: “Gia đình tôi không thể chen chúc sống tại căn hộ vỏn vẹn 36m2. Tôi đành cho thuê để chuyển về gần nơi cũ thuận tiện việc làm ăn”. Tương tự, chị Lan - một người bị ảnh hưởng bởi DA khu đô thị Thủ Thiêm buồn bã kể: “Lúc trước, nhà tôi ở KTC khổ quá nên quyết định mua trả góp chung cư bên cạnh. Nhưng từ khi giải tỏa đến giờ không biết làm gì để có tiền, trong khi tiền nhà vẫn còn gần 500 triệu đồng chưa trả được nên tôi muốn bán căn hộ này để ra ngoài thuê nhà sinh sống, làm ăn”. Lý do người dân không chuyển qua nhà TĐC hay chung cư bên cạnh là vì giá nhà quá cao so với mức sống của đa số người dân nghèo.

Trầy trật mưu sinh

Đến nhiều khu TĐC trên địa bàn TPHCM, chúng tôi dễ dàng gặp cảnh người dân ngồi tán dóc nhưng khuôn mặt hiện lên bao sự muộn phiền, lo toan, nhiều nhất là chuyện “làm gì cho cuộc sống ngày mai?”.

Một thống kê xã hội gần đây cho biết, người dân ở các khu TĐC chủ yếu là hành nghề tự do. Hơn 80% có trình độ học vấn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông hoặc sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ nên khi định cư ở một chung cư cao tầng và các khu dân cư mới thì hầu hết không duy trì được nghề cũ. Nhiều người chọn cách mở cửa hàng bán tạp hóa, bán hàng ăn, nước giải khát... để kiếm sống nhưng rất bấp bênh.

Đến khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), chúng tôi thấy nhiều người bán hàng ăn uống vội vã dọn bàn ghế, nhưng vắng khách nên vẻ mặt ai nấy buồn so. Bà Ngô Thị Sen ở khu A6 cho biết: “Trước khi chuyển về khu chung cư này, gia đình tôi bán cà phê, nước giải khát ở khu phố 1 phường An Khánh (quận 2). Sau khi bị thu hồi đất, gia đình tôi thuê một căn tại chung cư Thạnh Mỹ Lợi để buôn bán và làm nơi sinh sống cho sáu người. Tôi tiếp tục công việc cũ nhưng thu nhập giảm đi rất nhiều. Bây giờ bán nước không được một góc như ngày xưa, ít khách lắm. Tiền thuê nhà, tiền điện nước một tháng cũng gần chục triệu, tôi phải xoay xở đủ hướng”. May mắn hơn bà Sen, bà Trần Ngọc Ánh ở khu B6 đã trả hết tiền để nhận một căn nhà trong khu TĐC bằng số tiền đền bù và tiền gia đình tích góp được. Hằng ngày, vợ chồng bà mưu sinh bằng việc bán cơm tấm. Theo bà Ánh, lượng khách ăn bây giờ ở chung cư chưa bằng một nửa trước đây khi gia đình bà mở quán ăn ở khu chợ Bình Khánh, phường Bình Khánh (quận 2).

Tại khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) tình cảnh buôn bán, dịch vụ còn thê thảm hơn. Dự án TĐC này được khởi xướng từ năm 2008 để giải quyết TĐC cho dân mười quận, huyện nhưng hiện nay số hộ chuyển về đây rất ít. Từ khi chuyển về ở tại khu TĐC Vĩnh Lộc B, anh Nguyễn Đặng Hùng ở lô B1 cũng phải thuê một căn nhà nhỏ ngoài mặt đường để mở tiệm sửa xe vì mở trong khu TĐC này không có khách. Trước đây, mỗi tháng anh thu nhập gần mười triệu đồng từ nghề sửa xe thì nay chỉ còn ba đến bốn triệu. Một chủ tiệm tạp hoá ở kế bên nhà anh Hùng cũng lâm vào tình cảnh như vậy: “Mở quán này để kiếm được đồng nào hay đồng đó thôi, chứ chẳng lẽ ở không? Mà bán từ sáng tới trưa khách mua đếm được chưa hết đầu ngón tay. Buôn bán ế ẩm lắm, không biết sống ra sao”.

Theo Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giải quyết TĐC, căn cứ vào báo cáo đăng ký nhu cầu TĐC của các quận/huyện, giai đoạn 2012 - 2015 chỉ có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Cụ thể, quỹ căn hộ và nền đất TĐC của giai đoạn trên khoảng 4.300 suất trong khi nhu cầu TĐC lên tới 13.000 hộ. Xây dựng để đổi mới, phát triển là cần thiết nhưng TPHCM cần tính toán kỹ việc bố trí TĐC cũng như giải quyết công ăn việc làm và những chính sách bổ trợ để người dân có một nơi ở ổn định, sẵn sàng an cư lạc nghiệp sau TĐC.

Đình Tuyên (Công an TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.