Đến nay, TP Đà Nẵng đã chi hơn 20 tỉ đồng để hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa. Ông An khẳng định TP Đà Nẵng không thiếu việc làm cho người lao động nhưng khổ nỗi người dân lại thích công việc tự do, không quen bị gò bó nên học nghề xong, họ không chịu đi làm.Người dân tái định cư loay hoay chuyển đổi ngành nghề để thích nghi cuộc sống mới nhưng lại không mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề miễn phí

Theo người dân sinh sống ở các khu chung cư Hòa Hiệp 2, Vũng Thùng, Nại Hiên Đông (TP Đà Nẵng), nơi ở mới không phù hợp với việc nuôi gà, trồng rau nên nhiều người bán căn hộ, kéo nhau về quê sống cho thoải mái.

Dân nghèo “chê” căn hộ tái định cư

Ông Trần Đức A. (52 tuổi, ngụ phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) cho biết năm 1998, gia đình ông bị giải tỏa toàn bộ khu đất nông nghiệp rộng gần 1.500 m2. Không đủ tiền mua đất và xây nhà, gia đình ông xin vào ở chung cư.
Không còn đất sản xuất, người dân tận dụng đất trống trong khu dân cư để trồng rau tại phường
Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ảnh: HOÀNG DŨNG

Từ nghề nông, ông A. chuyển sang chạy xe ôm nhưng không đủ sống. Thế là ông lại vác cuốc đến những lô đất trống nằm trong khu dân cư mới, ngày ngày trồng rau kiếm sống và nuôi 4 đứa con ăn học. Cứ vậy, khi nào chủ đất xây nhà thì ông A. tìm kiếm những mảnh đất mới để canh tác.

Tại khu dân cư Hòa Phú 1 (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người dân đã tận dụng khoảng 10 ha đất trống trong dự án khu đô thị mới Tây Bắc để trồng rau muống và hoa quả các loại.

Ở Hà Nội, nhiều khu tái định cư (TĐC) đang “ế” do người dân không muốn chuyển đến sinh sống mà bám trụ nơi ở cũ nhằm giữ kế sinh nhai. TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết thành phố đã lên kế hoạch giãn dân phố cổ về khu đô thị mới Việt Hưng có tổng diện tích 11,12 ha, gồm 16 tòa nhà cao 9 tầng, 2 tòa 15 tầng từ những năm 1999, 2000. Dự án đã khởi động từ lâu, nay mới duyệt lại nhưng chưa thể đưa dân về ở ngay được.

“Dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giãn dân vì đưa người ta lên tầng cao là không phù hợp với công việc của họ” - ông Nghiêm nói. Theo ông, vấn đề là ở chỗ không chỉ giao cho người dân TĐC căn hộ mà còn phải tính đến kế sinh nhai lâu dài, nếu không thì chẳng ai chịu đi.

Ngán học nghề miễn phí

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề đảm bảo việc làm cho người dân TĐC, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết trong phương án giải tỏa thu hồi đất bao giờ cũng có chi phí hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề do ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng quận và thành phố trực tiếp thực hiện.

“Với số tiền hỗ trợ đó, người dân phải tự chuyển đổi nghề, tự đi học nghề mới chứ tiêu xài hết tiền rồi làm những nghề ảnh hưởng đến mỹ quan khu TĐC thì không ổn” - ông Tuấn nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, trong thời gian qua, sở đã mở nhiều lớp dạy nghề với 26 nghề tại 11 trung tâm để đào tạo miễn phí cho con em vùng giải tỏa. Sau đó, sở còn hỗ trợ các doanh nghiệp nhận lại lao động đã học nghề vào làm việc.

Trong khi đó, 6 năm qua, TP HCM cũng đã triển khai Quyết định 156 của UBND TP về thành lập Quỹ Hỗ trợ đào tạo và Giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư (Quỹ 156). Song số người học nghề chưa cao (hơn 55% nhu cầu).

Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, nhận định nguyên nhân chủ yếu là do đa phần đối tượng này trước khi di dời trên 35 tuổi, hầu hết sống bằng nghề buôn bán hay trình độ học vấn thấp nên ngại học nghề. Theo đánh giá của Hội đồng Quản lý Quỹ 156, đến nay, mới có 86/298 chủ đầu tư dự án (chiếm 29,19% dự án) thuộc 18 quận, huyện đóng góp vào quỹ với số tiền 235/1.461 tỉ đồng (chiếm 16,13%) và hầu hết đều là chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận xét: “Rõ ràng, chủ trương chỗ ở TĐC rất hay, trong đó có việc đảm bảo nhà mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nhà cũ. Tuy nhiên, nói vậy mà không phải vậy. Cuối cùng, người dân TĐC khổ nhất là vấn đề công ăn việc làm”.

Ông Hùng phân tích: Dân thuộc diện TĐC phần lớn là người nghèo, buôn bán nhỏ lẻ, giờ lên tầng cao chẳng biết làm gì. Không phải ai cũng còn trong độ tuổi đi học, dễ dàng tiếp cận một nghề hoàn toàn mới; chưa kể trình độ văn hóa, tay nghề nhiều người không cao.

Đền bù giải tỏa theo giá thị trường

Ông Trần Ngọc Hùng băn khoăn rằng thị trường nhà đất đang dồi dào, thoải mái nguồn cung với nhiều phân khúc nhưng người dân TĐC vẫn phải vào sống ở các khu chung cư. Nhà TĐC vừa kém chất lượng vừa quản lý không đồng bộ, người đến ở thiếu thốn đủ thứ.

“Quan điểm của Tổng hội Xây dựng Việt Nam là từ nay trở đi không làm nhà TĐC nữa. Hãy thỏa thuận và đền bù cho người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng theo giá thị trường để họ tự chọn mua nhà bằng các phương thức khác nhau, tùy khả năng tài chính; nhất là có quyền chọn hướng nhà, địa điểm, vị trí phù hợp hoàn cảnh gia đình, tập quán, mưu sinh” - ông Hùng đề xuất.

Hoàng Dũng- Quý Hiền - Phương Nhung (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.