Tài chính cho đô thị vẫn luôn được xem là vấn đề mấu chốt để phát triển cơ sở hạ tầng, song vấn đề nguồn lực đang đặt ra cho Hà Nội những thách thức không nhỏ trong quá trình hiện thực hóa Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô.

Trong tháng 5-2012, thành phố Hà Nội ban hành một số quyết định phê duyệt quy hoạch huyện Gia Lâm thành khu vực phát triển cửa ngõ Thủ đô. Quy hoạch huyện Ba Vì là khu vực hành lang xanh và được định hướng khuyến khích phát triển các hoạt động du lịch, phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Ðáng chú ý, quy hoạch không cho phép phát triển đô thị dọc tuyến đường chính của huyện này.

Theo dự thảo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 của thành phố Hà Nội vừa được đưa ra lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tài nguyên - Môi trường, chỉ tiêu đất phi nông nghiệp đến năm 2015 là 162.783 ha, chiếm 48,9% diện tích tự nhiên; đến năm 2020 là 178.830 ha, chiếm 53,7% diện tích tự nhiên. Chỉ tiêu đất nông nghiệp đến năm 2015 là 165.037 ha, chiếm 49,6% diện tích tự nhiên; trong đó, đất trồng lúa 102.323 ha, chiếm 30,7% diện tích tự nhiên.

Hà Nội sẽ xây dựng phát triển đô thị theo mô hình đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh, di chuyển các khu công nghiệp cũ, các cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi nội thành theo quy hoạch, chú trọng bảo vệ môi trường trọng tâm theo bảy khu vực đã được xác định trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Ðể thực hiện được mục tiêu này, sẽ cần số vốn đầu tư vô cùng lớn để triển khai. Hà Nội chủ trương huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng Thủ đô phát triển bền vững. Và bài toán vốn luôn được đưa ra bàn thảo trong những hội nghị gần đây. Tại hội thảo "Chiến lược phát triển quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn 2050" được tổ chức trung tuần tháng 5-2012, nhiều chuyên gia, nhiều nhà quản lý vẫn băn khoăn về nguồn lực đầu tư. Ðại diện Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội thẳng thắn nêu quan điểm, khi triển khai, các cơ quan chức năng cần phải nhìn rõ một thực tế, nguồn lực tài chính và đất đai là có hạn, khan hiếm, do đó mọi quyết định đầu tư phải tính đến quy luật chi phí cơ hội và các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

TS Ðào Ngọc Nghiêm cho rằng, bên cạnh việc cụ thể hóa Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô bằng các đồ án quy hoạch, vấn đề quan trọng nhất là triển khai năng lực quản lý và nguồn lực đầu tư để thực hiện. Bởi vì đã có rất nhiều quy hoạch được nghiên cứu, lập và phê duyệt nhưng thực tế, các kế hoạch đầu tư xây dựng theo quy hoạch chưa bao giờ được như mong muốn. Nguyên nhân chính là do thiếu vốn.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng cho hay, công tác triển khai Quy hoạch chung ở các huyện ngoại thành đang đặt ra không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Riêng trong năm 2012, tổng kinh phí đầu tư cho hạ tầng của huyện Thạch Thất khoảng 130 tỷ đồng. Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu khi triển khai xây dựng nông thôn mới của Hà Nội cần số vốn 4.500 tỷ đồng.

Các nhà quản lý đều hiểu, tài chính đô thị chính là vấn đề thu hút vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Nhưng thực tế hiện nay, hầu hết các đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho dù đã được lập quy hoạch chung và phần lớn các khu vực phát triển tập trung đều có quy hoạch chi tiết. Ngoài vốn ODA, FDI, Hà Nội cũng như các địa phương khác đang tạo vốn bằng cách khai thác quỹ đất hai bên đường. Việc quy hoạch phần đất hai bên đường để đấu giá sẽ tạo được vốn cho dự án làm đường, đồng thời còn giúp giải quyết triệt để tình trạng nhà siêu mỏng. Nhưng xem ra trong cách làm này, Hà Nội vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn. Hiện tại, cách làm đang được một số chuyên gia "khơi" lại là thực hiện "chứng khoán hóa" bằng cách phát hành trái phiếu chuyển đổi (đã từng được TP Hồ Chí Minh nghiên cứu áp dụng) nhưng chưa được triển khai rộng rãi, bởi chưa thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Xem ra, bài toán vốn vẫn còn nan giải.

Theo Nhân Dân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.