Trong kỳ phát hành trước, Báo Xây dựng đã giới thiệu đến bạn đọc nhận định về tình hình phát triển đô thị ở Việt Nam với sự đánh giá của Cục Phát triển Đô thị và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong số báo này, chúng tôi tiếp tục đề cập đến chủ đề trên qua nhận định của Tổ chức Định cư con người Liên hợp quốc (UN-HABITAT), được đúc kết từ quá trình thực hiện và thu thập số liệu hoàn thành bộ Chỉ số đô thị Việt Nam.

Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội thông qua quy hoạch đô thị chiến lược và cách tiếp cận TP sinh thái.

Đầu tư cơ sở hạ tầng không theo kịp phát triển


Theo UN-HABITAT, tỷ lệ dân số đô thị Việt Nam tăng cao trong 10 năm qua, từ 23,7% năm 1999 lên 29,6% năm 2009 và hiện nay vào khoảng 30,5%. Dự báo đến 2029, dân số đô thị của Việt Nam sẽ khoảng 44 triệu người, hơn 40% dân số cả nước. Đô thị hóa nhanh cùng mật độ dân số cao tạo ra sức ép về việc làm, cơ sở hạ tầng và nhà ở.


Về tình trạng nhà ở, khảo sát của UN-HABITAT tại 65 đô thị cho thấy: Trong những năm gần đây, tốc độ xây nhà tạm và nhà có kết cấu mái không bền chắc tăng nhanh. Điều này được lý giải là để phục vụ cho những người dân nhập cư vào đô thị. Tuy nhiên, với các vùng Tây Nguyên, ĐBSCL, Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ, UN-HABITAT lại nhìn nhận nguyên nhân là do nhà ở chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai.


Về hạ tầng đô thị, UN-HABITAT cho biết: Trong giai đoạn từ 2002 - 2010, tỷ lệ hộ gia đình được cung cấp nước máy đã tăng từ 43,9 lên 66,5%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà vệ sinh tự hoại hoặc bán tự hoại tăng từ 65,4% lên 85,4%; tỷ lệ hộ gia đình có rác thải được thu gom thường xuyên tăng từ 64% lên 79,6%. Tuy nhiên, mới chỉ có 8/65 đô thị có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt. Tỷ lệ hộ được cấp nước máy và có cống tiêu thoát nước thải vẫn còn thấp ở các đô thị vùng Tây Nguyên và đô thị loại IV trong cả nước.


Quan trắc từ 65 đô thị cũng cho thấy: Tính trên tổng diện tích đất xây dựng đô thị, tỷ lệ đất cây xanh dao động từ 6-10%, tỷ lệ đất giao thông dao động từ 15 - 18%. Các đô thị nhỏ thường có tỷ lệ đất cây xanh cao hơn. Các đô thị lớn hơn phải đối mặt với những thách thức về tắc nghẽn giao thông và tội phạm.


Đặc biệt, UN-HABITAT cũng cảnh báo: Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh chóng của các đô thị vùng Đông Nam bộ và tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đến các vùng ven biển miền Trung và ĐBSCL, có khả năng sẽ có dòng di cư lớn vào vùng Đông Nam bộ, tạo ra những thách thức cho phát triển của khu vực trong tương lai. Nguồn tài chính cho hạ tầng của các đô thị chủ yếu từ ngân sách nhà nước và vốn ODA. Đầu tư hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Hơn thế, trên một nửa trong số 65 đô thị điều tra không có nguồn tài chính cho phát triển nhà ở.


Về quy hoạch và quản lý đô thị, UN-HABITAT chỉ ra: Quy trình quy hoạch tổng thể thiếu tính chiến lược; thiếu sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng; thiếu kế hoạch hành động và khung đầu tư để huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị; thiếu sự lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường, công bằng giới, phòng chống thiên tai và BĐKH.


Biến thách thức thành cơ hội


Trước thực trạng và các thách thức nêu trên, ThS Đỗ Minh Huyền, chuyên gia của UN-HABITAT cho rằng: Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội thông qua quy hoạch đô thị chiến lược và cách tiếp cận TP sinh thái.


Về cơ bản, các đô thị lớn sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong việc xây dựng, vận hành, quản lý và nâng cấp quỹ nhà ở. Các đô thị sẽ phải nỗ lực giảm sự chênh lệch giàu nghèo và nhất là cải thiện năng lực của hệ thống giao thông vận tải, an ninh đô thị, hệ thống thoát nước và các công trình xử lý chất thải rắn đồng thời duy trì các không gian xanh, không gian công cộng. Trong khi đó, các đô thị nhỏ hơn cần nỗ lực để đáp ứng nhu cầu về hạ tầng cơ bản như cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, cung ứng các tiện ích giáo dục, y tế và văn hóa.


Và cho dù là đô thị lớn hay nhỏ thì các đô thị đều phải đối mặt với những khó khăn trong huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng và ứng phó với BĐKH. Do vậy, quy hoạch đô thị chiến lược và cách tiếp cận TP sinh thái có thể giúp các đô thị chuyển thách thức thành cơ hội, để mang lại lợi ích kinh tế trong dài hạn.


Cụ thể, quá trình lập kế hoạch chiến lược sẽ mang lại cho chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và người dân đô thị một tầm nhìn rõ ràng và một chiến lược cụ thể để làm cho các TP có năng lực cạnh tranh cao hơn, thu hút đầu tư và tạo ra các cơ hội việc làm có giá trị gia tăng cao, đảm bảo sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường.


Để tiếp cận TP sinh thái, các đô thị có thể áp dụng các biện pháp khác nhau bao gồm việc sử dụng hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên nước, thúc đẩy cơ chế sản xuất xanh và sạch, tái sử dụng, tái chế chất thải và quy hoạch hệ thống giao thông hiệu quả và có khả năng thích ứng cao hơn.


Các đô thị cũng có thể thực hiện những biện pháp nhằm tăng hiệu quả về mặt chi phí thông qua phân vùng và thay đổi các mô hình sử dụng đất, thực hiện các chương trình chia sẻ và tái điều chỉnh đất đai, điều chỉnh các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng.


Liên quan đến quản lý đô thị thích ứng với BĐKH, chuyên gia của UN-HABITAT khuyến cáo: Các đô thị nên tập trung nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng và lập kế hoạch thích ứng hơn là chỉ tập trung vào cải thiện các hạ tầng cứng. Các đô thị cần lồng ghép BĐKH và các quy hoạch, kế hoạch và chiến lược, lồng ghép các nỗ lực thích ứng của đô thị với các sáng kiến trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững đồng thời xây dựng khung kiểm soát phát triển có tính đến các tác động trong tương lai của BĐKH.

Theo Hòa Bình (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.