Sự
việc nảy sinh khi hai doanh nghiệp (DN) là Cty Capitaland - Hoàng Thành
và Cty TNHH Gamuda Land Việt Nam có văn bản hỏi Bộ XD về thời điểm được
huy động vốn. Trả lời hai DN này, Bộ XD đã có Công văn số 02/BXD-PTĐT
ngày 3-4-2009 (CV 02) và công văn số 03/BXD-PTĐT ngày 17-3-2010 (CV
03).
Hai CV này dựa trên NĐ 02/2006/NĐ-CP ngày 5-1-2006 “về việc
ban hành Quy chế KĐT mới” và Thông tư 04/2006/TT-BXD ngày 18-8-2006,
hướng dẫn: “Thời điểm đầu tiên của chủ đầu tư được phép huy động vốn
để xây dựng nhà ở trong dự án KĐT mới nêu trên thông qua hợp đồng giữa
bên bán và bên mua là sau khi dự án đã được UBND TP Hà Nội cho phép đầu
tư và chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng, bắt đầu triển khai xây dựng hạ
tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư được xác định trong quyết định cho
phép đầu tư. Việc huy động vốn chỉ được phép khi thiết kế nhà ở đã được
phê duyệt và công ty chứng minh được khả năng về tài chính để đầu tư xây
dựng dự án theo quy định hiện hành và thực hiện khởi công công trình”
(CV số 03).
Theo nội dung CV này, các doanh nghiệp có quyền
“bán nhà trên giấy”, “bán lúa non” tác động tiêu cực đến thị trường bất
động sản.
Tuy nhiên, theo Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp, hướng
dẫn như vậy là trái với Luật Nhà ở năm 2005, có hiệu lực thi hành từ
1-7-2006. Điều 39 Luật Nhà ở quy định: “Trường hợp chủ đầu tư huy
động vốn từ tiền ứng trước của người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở thì
chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã
được xây dựng xong phần móng”.
Đáp lại ý kiến này, Bộ XD
(ngày 27-5-2010 CV số 936/BXD-PC) cho rằng, hai CV số 02 và 03 của Bộ
này không trái luật vì đối tượng điều chỉnh của Luật Nhà ở và NĐ 02 khác
nhau, dự án KĐT mới không phải dự án nhà ở”.
Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục KTVBQPPL, Bộ Tư pháp khẳng định: “Xin
lưu ý, chúng tôi không có ý kiến gì về việc huy động vốn đối với các
loại hạ tầng khác trong KĐT mới. Tuy nhiên, việc huy động vốn tại các dự
án nhà ở (một nội dung hướng dẫn có trong CV số 02 và 03) cần phải bảo
đảm phù hợp với Luật Nhà ở năm 2005”.
Không được phép “bán nhà trên giấy”!
Cũng
theo ông Lê Hồng Sơn: Trên thực tế, hiện nay tại nhiều dự án KĐT mới,
các chủ đầu tư đã thực hiện việc huy động vốn đối với dự án nhà ở căn cứ
vào hướng dẫn của Bộ XD. Thực tế này, dư luận đã gọi là “bán nhà trên
giấy”, “bán lúa non” có thể gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân trong
KĐT mới; nguy cơ tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, gây ra
hậu quả khó lường về KT-XH.
Ngày 14-6, Cục KTVBQPPL, Bộ Tư pháp
cũng đã có CV số 83/KTrVB gửi Bộ XD tiếp tục nêu rõ: “Nội dung tại Mục
VIII của Thông tư 04 là trái với quy định của Luật Nhà ở 2005”. Cục
KTVBQPPL cũng cho rằng: “Các nội dung của NĐ 02 phải được rà soát để đảm
bảo sự phù hợp với quy định của Luật Nhà ở. Ngay cả tại các KĐT mới,
nếu có dự án xây dựng nhà ở thì việc huy động vốn đối với người có nhu
cầu mua hoặc thuê nhà ở cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở
là “đã xây dựng xong phần móng”, không thể thực hiện các quy định của
NĐ 02 đối với dự án nhà ở như đối với các dự án khác tại KĐT mới”.
Ông
Lê Hồng Sơn cho rằng: “Cũng tại Luật Nhà ở 2005 đã quy định rõ “trường
hợp có sự khác nhau của Luật này với pháp luật có liên quan về sở hữu
nhà ở, phát triển, quản lý việc sử dụng, giao dịch về nhà ở... thì áp
dụng quy định của Luật này”. Như vậy, việc huy động vốn đối với các dự
án nhà ở bất kỳ ở đâu và lúc nào thì cũng phải thực hiện theo quy định
của Luật Nhà ở 2005”.
Cafeland.vn - Theo ANTĐ