Thanh tra CP dự định xây nhà cho cán bộ nhân viên tại trụ sở cũ.
Mỗi nơi một kiểu
Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ (220 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) để không, bộ máy đã chuyển hết sang trụ sở mới trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy). Ông Huỳnh Phong Tranh - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: “Cơ quan có ý định xây nhà cho cán bộ nhân viên tại trụ sở cũ nhưng chưa có đề xuất chính thức, quy mô xây dựng cụ thể gì tại đó. Trụ sở cũ đang để không và chúng tôi vẫn cử người trông giữ”.
Để xây dựng trụ sở mới của Bộ Công an (đường Phạm Hùng,
Từ Liêm), Thủ tướng đồng ý cho Bộ được bán tài sản trên đất và chuyển
nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường, đúng quy định của pháp
luật, tại số 40 Hàng Bài và 54 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) với diện tích
đất là 13.303,8 m2 do Bộ Công an quản lý.
Nhưng theo ông Đàm Văn Tâm - Phó Chánh Văn phòng Bộ
Công an, hiện một số bộ phận của bộ đã chuyển ra trụ sở mới trên đường
Phạm Văn Đồng. Chủ trương của bộ, là trụ sở cũ thì cải tạo, nâng cấp chứ
không chuyển nhượng cho bất kỳ đơn vị nào. “Trước đây để xây trụ sở
mới, Thủ tướng đồng ý bán một số trụ sở cũ nhỏ lẻ của bộ để có thêm kinh
phí. Đến bây giờ thì không có chủ trương đó nữa”, ông Tâm cho biết.
Đồng ý chủ trương di dời các bộ ra khỏi nội đô nhưng các Bộ GTVT, Xây dựng, NN&PTNN vẫn đang sử dụng trụ sở cũ và việc di chuyển cần phải có thời gian. Ông Nguyễn Quang Nam - Trưởng ban quản lý dự án xây trụ sở Bộ Xây dựng, cho biết: “Nếu nhanh cũng phải đến năm 2015 mới xong việc di chuyển ra trụ sở mới”.
Bộ Xây dựng đã công bố đấu giá đất tại trụ sở 37 Lê Đại Hành (Hai Bà Trưng) với 13.000m2, nhưng việc xây gì trên đất đó vẫn chưa được đưa ra cụ thể.
Nếu quyết tâm, sẽ làm được
Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng: “Việc di dời các trụ sở Bộ không cho xây chung cư như lãnh đạo thành phố nói thì quá tốt. Nhưng làm gì thì đừng chất tải lên cho đô thị là được. Chúng ta phải đánh đổi giữa chi phí và lợi nhuận, đặt mục tiêu gì là lớn nhất? Mục tiêu bây giờ phải là giảm tải”.
Ông Khánh cho rằng, đất giao thông đô thị chỉ có 6% mà nhu cầu là 20 - 26%, chưa kể các công trình công viên, phúc lợi khác...nên việc di dời các bộ để phục vụ cho mục tiêu này là đáng hoan nghênh.
Ông Nguyễn Văn Công - Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho rằng, Bộ GTVT tiên phong chuyển đất tại trụ sở cũ cho Hà Nội và di dời trụ sở sang vành đai 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng. “Việc Hà Nội xử lý thế nào trụ sở cũ của Bộ GTVT trên đường Trần Hưng Đạo là chuyện của thành phố chứ Bộ GTVT không thể can thiệp”, ông Công cho hay. Còn ông Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: “Việc thành phố mua lại trụ sở các bộ là việc lớn chứ đâu dễ bàn”.
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cho
biết: “Chúng ta sẽ chờ xem lời nói của lãnh đạo cao nhất của thành phố
Hà Nội, có thành hiện thực. Tôi nghĩ, nếu quyết tâm làm, sẽ làm được”.
Gắn với quyền lợi nên chậm di dời? Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Tuấn Định – Phó giám đốc Sở QHKT Hà Nội, nói quỹ đất và vị trí dành cho việc di dời các trường đại học, trụ sở các bộ ngành đã được nêu rõ trong quy hoạch chung. Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện sắp xếp, di dời trụ sở các bộ ngành, trường học, bệnh viện. Tuy nhiên tiến độ thực hiện rất chậm. Đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, một
số phương án có thể áp dụng là ngân sách đầu tư, hai là đấu giá đất bù
lại. Ngoài ra, Trung ương đang cho một số trường đại học thực hiện theo
phương án BT. Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, về cơ chế chính sách cho việc di dời đã có, vấn đề là quyết tâm thực hiện đến đâu. Về thông tin Hà Nội sẽ mua lại trụ sở các bộ ngành, trường đại học để phục vụ mục đích công đây là việc có thể thực hiện được. “Đại diện nhiều cơ quan nhà nước nói, tôi muốn di dời nhưng không lấy đâu ra tiền xây trụ sở mới nhưng thực ra cái chính là tâm lý người đi có muốn không? Nếu muốn thì người ta sẽ chủ động tìm đất, lập dự án”- đại diện Sở Tài chính khẳng định. |