Đây là kiến nghị của đa số các chuyên gia tại hội nghị
về “quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất” do bộ Tài
nguyên và môi trường tổ chức ngày 5.8 tại Hà Nội.
Nhiều địa phương còn buông lỏng quản lý
Theo bộ Tài nguyên và môi trường, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 đã được Chính phủ xét duyệt. Riêng cấp huyện đã có 616/686 huyện, quận, thị xã, thành phố hoàn thành, chiếm gần 90%, còn lại 79 huyện chưa hoàn thành phần lớn là các đô thị thuộc tỉnh. Cả nước đã có 8.706/10.815 xã phường đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (đạt khoảng 80,5%).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay có nhiều ngành sử dụng đất với quy mô lớn đã lập quy hoạch hoặc xin chủ trương thực hiện dự án chưa tuân thủ những quy định hiện hành hoặc thiếu những quy định ràng buộc. Điều này đã dẫn đến tình trạng quy hoạch tổng thế kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất chỉ chạy theo, hợp thức hóa việc sử dụng đất… ảnh hưởng đến vai trò và vị trí của quy hoạch sử dụng đất.
Theo ông Tôn Gia Huyên, hội Khoa học Đất Việt Nam, việc
quy hoạch sử dụng đất chưa thực sự được coi là cơ sở pháp lý quan trọng
trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng
đất… Nhiều địa phương do buông lỏng quản lý đã tự phát chuyển mục đích
sử dụng đất tạo ra tình trạng rối loạn trong sử dụng đất và tác động xấu
đến môi trường.
Một số nơi nhằm thu hút đầu tư nên đã chuyển lượng lớn đất nông nghiệp để lập khu công nghiệp, dịch vụ nhưng do thiếu vốn nên dự án cầm chừng hoặc bị bỏ hoang, dự án treo. Trong khi, đất nông nghiệp hiện nay còn manh mún, diện tích đất lâm nghiệp thì tăng nhưng rừng tự nhiên bị tàn phá, đất giao thông còn thiếu so với phát triển; đất phát triển đô thị tăng nhưng cơ cấu sử dụng chưa hợp lý…
Việc cứ 10 năm lại phải lập quy hoạch sử dụng đất như
hiện nay là chưa hợp lý, gây tốn kém, đặc biệt mâu thuẫn với thời hạn
giao đất, cho thuê đất đều trên 10 năm thậm chí 50- 70 năm, gây tâm lý
không ổn định cho người thuê đất. Do đó, căn cứ để lập quy hoạch sử dụng
đất phải dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
với quy hoạch là 10 năm và kế hoạch là 5 năm.
Sử dụng tiết kiệm, gắn với bảo vệ môi trường
Việc quy định đối với quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh do
Chính phủ quyết định và việc thông qua HĐND đã gây ra nhiều bất cập về
thủ tục thời gian. Do đó, nhiều địa phương kiến nghị điều chỉnh theo
hướng Chính phủ quyết định quy hoạch, kế hoạch 5 năm của tỉnh và phân
cấp cho chủ tịch UBND tỉnh xét duyệt kế hoạch hàng năm (trong kế hoạch 5
năm). Đặc biệt, cần quản lý, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
chặt chẽ sau khi được phê duyệt.
Vẫn theo ông Gia Huyên, việc quy hoạch sử dụng đất cần gắn liền với nhiệm vụ sử dụng tiết kiệm, đảm bảo sự cân đối lớn giữa đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp cũng như những cân đối nội bộ của từng loại đất này. Trong đó, cần chú ý tới việc đất trồng lúa đang chịu sức ép lớn từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; vấn đề đất lâm nghiệp, bảo vệ rừng; khắc phục nhược điểm phát triển tràn lan khu công nghiệp, đảm bảo lộ trình lấp đầy; vấn đề phát triển mở rộng đất đô thị…
TS Trần Kim Chung, viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (bộ Kế hoạch và đầu tư) thì cho rằng, nên khuyến khích nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; đặc biệt là tăng cường tính chế tài và pháp luật thi hành quy hoạch. Bên cạnh đó cần tập trung ưu tiên đẩy mạnh phối hợp quy hoạch đất đai với quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, cần phải điều chỉnh lại một số điểm trong hệ thống phân loại đất; đồng thời cần phải đưa ra hệ thống phân loại không gian sử dụng đất; điều chỉnh phương thức lập quy hoạch và việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Việc quy hoạch phải được lập trên nguyên tắc đối thoại giữa các bên, lấy nội dung kinh tế, công bằng và bảo vệ môi trường làm nền tảng.