Sau bao chờ đợi, Hà Nội đã có Quy hoạch chung với tầm nhìn xa đầy khát vọng. Trong niềm vui lớn ấy, nhìn ngược lại một chặng ngắn, từ Quy hoạch năm 1992, tới Quy hoạch năm 1998..., càng thấy rõ nền tảng của tầm vóc cơ sở hạ tầng đô thị được xác lập đúng và hướng tới khai thác hiệu quả.
Giá trị ấy được dẫn dắt từ hệ tư duy đô thị đang từng bước định hình và hoàn chỉnh. Ðây chính là yếu tố hạt nhân, cắt nghĩa phần nào sức hấp dẫn, lòng tin cậy xen lẫn những đòi hỏi cao của nhân dân cả nước vào một Hà Nội - Thủ đô đang dồi dào sức bật mới...


Trong bề bộn vui, lo
Nguy cơ: "Những gôi nhà cao tầng giống nhau, những bố trí sinh hoạt giống nhau và cả những khu vườn chơi cho trẻ em cũng giống nhau..." trong phát triển đô thị hiện nay. ( Ảnh: Ảnh: KT )

1. Quy hoạch đô thị đã từng và mãi là một vấn đề nan giải. Bản chất của nó chính là (và phải coi là) nghệ thuật sắp bày không gian đô thị theo nghĩa rộng nhất (nhà ở, nhà làm việc, nơi giải trí, các mạng lưới giao thông và trao đổi...) nhằm đạt được khả năng hoạt động tốt nhất và cải thiện quan hệ xã hội. Nhưng quy hoạch đô thị còn thuộc phạm trù cái đẹp mang tính thời đại và lịch sử, nên dường như các nhà quy hoạch luôn phải đứng trước những khả năng lựa chọn không ít thách thức, thậm chí là những thách đố của thời gian và không gian. Về cơ bản, đòi hỏi tối thiểu của quy hoạch là làm sao cho các chức năng và mối quan hệ giữa mọi người được thể hiện một cách thuận tiện nhất, kinh tế nhất và hài hòa nhất. Tuy nhiên, để nhận thức đó trở thành một nhu cầu hành động tự nguyện nhằm thiết lập một trật tự đô thị giàu tính khoa học mà điều thiết yếu phải đạt được là ngăn ngừa việc thay thế sự lộn xộn này bằng một sự lộn xộn khác... là một việc làm đòi hỏi không chỉ tri thức, trách nhiệm mà cả sức kiên trì.


2. Với Hà Nội, vấn đề quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị đang đặt ra một hệ các công việc cùng những đòi hỏi cao hơn. Một trong những điểm cần lưu tâm ở đây là quá trình triển khai các dự án, quy hoạch đất đai phải có những điều chỉnh sao cho việc bố trí dân số được hợp lý; và quy hoạch chi tiết các quận, huyện phải chú ý đến khu dân cư đã sinh sống ăn ở lâu đời, đặc biệt phải để lại quỹ đất phục vụ nhu cầu của địa phương đó suốt quá trình phát triển đô thị.


Trước những bộn bề như vậy, cái hướng tới hiệu quả và không sai lầm vẫn là một quy hoạch chuẩn và chi tiết cùng với sự tôn trọng các quy hoạch. Nói cách khác, muốn đô thị hóa đi đúng hướng thì phải có quan niệm đúng và đủ về đô thị. Theo GS Ðỗ Thái Ðồng, một người có nhiều công trình giá trị về xã hội học, thì đô thị không phải từ nông thôn tiến lên, càng không phải là một cái làng tiến lên thành phố và thành phố cũng không phải là một cái chợ phóng đại. Cho nên trật tự đô thị là một trật tự được dàn xếp giữa ba chủ thể: Nhà nước - các nhu cầu công cộng - quyền của cá nhân. Tam giác này phải được liên kết với nhau. Sự an toàn của đời sống đô thị là kết quả hợp tác giữa ba yếu tố đó. Ðô thị không có vai trò của Nhà nước thì sẽ hỗn loạn... Trên góc độ xây dựng, GS Ðỗ Thái Ðồng cũng cảnh báo rằng, chúng ta đang có nguy cơ để xảy ra những phân hóa, nghĩa là sang thật sang, hèn thật hèn, giàu thật giàu và nghèo thật nghèo. Văn minh và không văn minh sống lẫn với nhau. Sự phân hóa sẽ tiềm tàng bất ổn từ quy hoạch. Bởi nếu không quy hoạch trên những tiêu chuẩn căn bản của thế ba chân kiềng: Nhà nước, công dân và lợi ích công cộng thì sẽ tạo ra những khu sang trọng và những khu ổ chuột.


3. Về phương diện pháp chế cũng cần nhận thức rằng, kiến trúc và đô thị không thuần túy là lĩnh vực của sáng tác nghệ thuật, mà là một thiết chế Nhà nước. Ðiều hành sự hoạt động của thiết chế ấy, cần có bộ luật toàn diện chứ không chỉ bằng những quy định nhất thời. Lý giải điều này, nhà đô thị học - GS Trương Quang Thao cho rằng, trước hết phải xem đô thị hóa là một quá trình tổng toàn được tích hợp từ nhiều phương diện: Ðó là kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, không gian, môi trường. Nó không đơn thuần chỉ là vấn đề tổ chức không gian để lấy đó làm quyết định luận cho các giải pháp. Ðiều đó có nghĩa là các chuyên gia về kinh tế vùng, địa lý kinh tế và dân cư, xã hội học, dân tộc học; về giao thông, lịch sử và môi trường... phải được tham dự vào việc đề xuất các giải pháp.


4. Một mối quan tâm khác, đúng hơn là mối lo lắng trong quá trình đô thị hóa ở nước ta nói chung mà trong đó Hà Nội nổi lên như một điển hình là hầu hết những quy hoạch đều giống nhau: Những khối nhà cao tầng giống nhau, những bố trí về sinh hoạt giống nhau và cả những khu vườn chơi cho trẻ em cũng giống nhau... Tôi cũng có chung mối băn khoăn với nhà nghiên cứu xã hội Nguyễn Tân Minh rằng, ở những khu đô thị giống nhau như thế, liệu con người có còn bám rễ vào "không gian sống" vừa gần gũi vừa thiêng liêng nữa không? Liệu trẻ em lớn lên ở đó có trở thành những kẻ vô cảm?... Vấn đề dường như chưa được quan tâm đúng mức. Mà thật sự đó lại là cái "hồn" của việc quy hoạch và xây dựng đô thị.


5. Tầm vóc mới của Thủ đô hiện đại đang ngày thêm rõ nét dù trên một góc nhìn nào. Song có một điều không thể không hết sức quan tâm, đó là cái đang rõ nét của sự bề bộn không giấu nổi những thiếu hụt nơi trình độ quản lý và trật tự đô thị từ những cấp chính quyền cơ sở. Phải vậy chăng mà trong cái vóc dáng đầy triển vọng kia, ta như thể chưa qua được nỗi lo về thói quen của một sự phát triển chắp vá, thiếu đồng bộ, không hẳn do quy hoạch mà phần nhiều do tính tùy tiện và cả sự thiếu trách nhiệm còn tiềm ẩn trong quá trình triển khai các dự án. Ðây chính là một trong những lỗ hổng gây không ít lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân. Và đó cũng là thách thức lớn trong bước phát triển mới của Hà Nội hôm nay.


Theo Lê Mạnh Tuấn (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.