LTS: Mới đây, Bộ Chính trị vừa có một nghị quyết về phát triển thành phố HCM đến năm 2020, theo đó, Thành phố được trao cơ chế đặc thù để phát triển với những quyền tự chủ, có tính độc lập tương đối.
Nhân dịp này, nhóm phóng viên Tuần Việt Nam - VietNamNet lật lại những câu chuyện, tìm lại những con người TP.HCM với những trăn trở, những quyết định và hành động đã tạo nên diện mạo TP.HCM hôm nay.
Từng giữ cương vị là Viện trưởng Kinh tế Tp.HCM, và nay là Phó đoàn ĐBQH Thành phố, TS Trần Du Lịch chia sẻ góc nhìn riêng xung quanh chuyện phát triển của thành phố.
- Trước khi nói về những hướng phát triển sắp tới của thành phố, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thành phố sau hai thập kỷ vừa qua?
Ông Trần Du Lịch: Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay bao gồm cả tỉnh Gia Định cũ, thậm chí một phần thuộc tỉnh khác như Cần Giờ, Củ Chi. Thành ra, TP HCM có quy mô diện tích như một tỉnh trung bình của nước ta. Vì vậy, nếu đem so sánh với với những thành phố có sự phát triển vượt bậc trong khu vực, như Kuala Lumpur, Bangkok, Singapore, Thượng Hải, hay Thẩm Quyến, thì sự phát triển chung của TP. HCM chưa bằng.
Thế nhưng, nếu nhìn trong bối cảnh của Việt Nam, tôi cho rằng thành phố HCM có sự phát triển nổi bật, và đang theo hướng hiện đại.
Thế nào là "nổi bật" và "theo hướng hiện đại", xin ông cho biết rõ hơn?
Tôi muốn nhấn mạnh đến sự phát triển hạ tầng mọi mặt của thành phố.
Về hạ tầng kỹ thuật, ấn tượng thứ nhất, chưa nói đến phát triển không gian đô thị bên ngoài, riêng mảng chỉnh trang của thời kỳ cũ, đã có khối lượng rất lớn, thậm chí làm ngạc nhiên những tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB). Ví dụ, việc giải tỏa toàn bộ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để làm đường Hoàng Sa và Trường Sa, là một sự lột xác hoàn toàn, nếu các anh nhìn lại phim quay cảnh trước khi thực hiện công trình này, nhất là hình ảnh của tất cả những nhà lụp xụp trên kênh rạch tồn tại thập kỷ qua.
Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới gặp tôi năm 2000 nói rằng, theo kinh nghiệm của ông, nhiều nước không làm được bởi vì đụng đến tầng lớp đáy của xã hội. Nhưng TP. HCM đã có sự đột phá về quyết tâm, bởi chỉnh trang Nhiêu Lộc - Thị Nghè chính là để thay đổi cái nhìn về thành phố này.
Ấn tượng thứ hai liên quan đến chỉnh trang đô thị là Đại lộ Đông Tây. Tôi nhớ đã từng dự phiên họp của thường vụ thành uỷ, với yêu cầu phải giải tỏa năm nghìn căn dọc theo phía bên bờ Bắc, tức là phía bên bến Chương Dương. Lúc bấy giờ, chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã dự cuộc họp về vấn đề này.
Chú Sáu đã nói rằng không thể làm một bên bờ. Bởi ông ấy hình dung rằng khi làm xong, bên này đã khang trang, còn lại bên kia toàn nhà lụp xụp trên kênh rạch thì không thể nào ra đô thị được.
Còn về khu dân cư, thì ấn tượng nhất vẫn là sự chỉnh trang quận 4. Tôi nhớ năm 1992, nói về quận 4 ai cũng nói ở đấy tập trung những nhà lụp xụp, toàn dân dao búa (nơi lập nghiệp của Bố già Năm Cam - PV), nên không dám đụng tới. Nếu anh đến nơi này hồi năm 1992, thì nếu có cháy nhà, xe cứu hỏa cũng chịu không vào được. Nhưng sự nỗ lực của quận 4 đã làm thay đổi diện mạo của nó, và bây giờ nó gần như quận Nhất.
Ấn tượng tiếp theo là việc phát triển những khu đô thị mới. Công trình ấn tượng nhất, sự thể hiện rõ ràng nhất cho mô hình "đổi đất lấy hạ tầng" là đại lộ Nguyễn Văn Linh và khu đô thị Phú Mỹ Hưng.
Toàn bộ vùng đất đó trước đây là sình lầy, thậm chí có nhiều người cho rằng không nên phát triển vùng đầm lầy, phí tổn xây dựng cao. Thế nhưng, thành phố đã thành công trong việc hoàn thành công trình chỉnh trang đô thị như vậy.
Về hạ tầng kinh tế, ở thành phố HCM đã hình thành 14 khu công nghiệp và khu chế xuất, trong đó ấn tượng là khu Chế xuất Tân Thuận. Khu chế xuất này là sự nối tiếp cái nền móng có sẵn từ thời chế độ Sài Gòn vào đầu những năm '70. Dự án, do chiến tranh, chỉ mới bắt đầu, và sau đó suốt 10 năm sau giải phóng thì bị bỏ hoang. Chỉ vào cuối những năm '80 - đầu '90, mới bắt đầu tiến hành đền bù giải tỏa với quy mô 300 ha.
Năm 1992, tôi đi ứng cử ở đó, trình độ văn hóa dân cư ở đấy đến lớp 5 còn hiếm. Cách Sài Gòn (quận Nhất) có 4-5 cây số thôi, nhưng lạc hậu không thể tưởng tượng được. Sự hình thành khu chế xuất này là một dấu ấn lớn về sự khởi đầu phát triển của công nghiệp thành phố.
Còn 13 khu công nghiệp của thành phố được xây dựng trên những vùng đất địa hình không thể làm nông nghiệp được. Người ta hay nói thành phố HCM có một diện tích đất nông nghiệp bằng tỉnh Thái Bình, nhưng họ quên một điều là tỉnh Thái Bình thời Nguyễn Công Trứ là đất thuộc, còn đất của Gia Định cho tới thời giải phóng năm '75 vẫn là vùng bưng biền, không có tiềm năng về nông nghiệp. Như quận Thủ Đức, quận 2, bấy giờ gọi là quận bưng, tức là vùng bưng sáu xã.
TS Trần Du Lịch
Xin phép được ngắt lời ông. Thế dân cư ở đó sống bằng nghề gì, thưa ông?
Nơi đó rất thưa thớt dân cư. Người ta sống theo kiểu làm mướn một vụ, rồi mò cua bắt ốc.
Hay ở Bình Chánh, một phần Bình Chánh được dùng để phát triển khu công nghiệp Tân Tạo, Vĩnh Hội, khu đó toàn bộ là đất phèn. Sau ngày giải phóng, thanh niên xung phong lập nông trường trồng bạch đàn, trồng mía, dứa.
Trước năm '75, chính quyền Sài Gòn, vùng đất xung quanh và sát Sài Gòn này không phát triển công nghiệp. Khu công nghiệp đầu tiên của miền Nam Việt Nam xây dựng là khu của Sodanezi bây giờ, một vùng đất cao ráo, đẹp đẽ, ở ngã ba đi Vũng Tàu.
Nói tiếp về câu chuyện hạ tầng, về hạ tầng dịch vụ, anh thấy với vốn đầu tư nước ngoài phát triển hệ thống trung tâm thương mại, các văn phòng, khách sạn 5 sao thì có thể nói phát triển tương đối. Chính nhờ như vậy, thành phố HCM đã thành hậu cần cho các tỉnh lân cận đặc biệt Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu.
Anh nhớ là tất cả những công ty nước ngoài vào đầu tư, dồn tiền vào Bình Dương, Đồng Nai, hay Vũng Tàu là sống nhờ Sài Gòn. Con cái họ học hành ở Sài Gòn, đi chữa bệnh ở bệnh viện Sài Gòn, rồi giải trí cũng ở Sài Gòn. Giống như ở ngoài bắc, Vĩnh Phúc, hay Bắc Ninh, lên được là nhờ Hà Nội làm hậu cần. Điều đó tạo nên sự lan tỏa.
Để phát triển như vậy, thành phố đã dựa vào những nguồn lực nào?
Thành phố HCM đi đầu trong vấn đề thu hút khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, thành phố thu hút được một nguồn vốn rất lớn. Đầu thập niên 90, trong lúc chưa xây dựng nổi kịp một khách sạn 5 sao, nước ngoài họ kéo một khách sạn 5 sao từ Úc về làm khách sạn nổi, phục vụ cho các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn ở đây.
Tuy nhiên, nguồn vốn đó chỉ tập trung vào công nghiệp, hay thương mại - dịch vụ, chứ hạ tầng giao thông, giáo dục, hay y tế thì mình phải tự lo chứ. Chính vì vậy, bên cạnh việc thí điểm những mô hình đổi đất lấy hạ tầng, thành phố đã rất mạnh dạn trong vấn đề xã hội hóa đầu tư trong ba lĩnh vực nói trên.
Ví dụ như việc phát hành trái phiếu đô thị mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, hay đường Trường Sơn, tức là đường nối vô sân bay Tân Sơn Nhất, và sau này đấu giá đường để khai thác như đường Điện Biên Phủ ...
Thành phố còn cho lập các công ty cổ phần xây dựng hạ tầng mang tính công chúng, rồi xã hội hóa, để đầu tư vào y tế, giáo dục.
Xu hướng này diễn ra rất mạnh. Ví dụ như chính sách thành phố bỏ ngân sách để bù lãi suất cho các bệnh viện, trường học để vay tiền ngân hàng để họ mạnh dạn nâng cấp chúng lên.
Xin ông giải thích cụ thể hơn.
Thay vì một năm anh bỏ 1500 tỷ đồng để đầu tư vào các bệnh viện, các trường học, bây giờ anh chỉ bỏ 50 tỷ thôi để bù lãi suất. Các bệnh viện, trường học sẽ chủ động vay vốn ngân hàng, lãi suất thành phố trả, còn anh chỉ cần thu hồi giá vốn thôi.
Việc xã hội hoá đầu tư công ở thành phố bắt đầu từ khi nào?
Từ năm 1999, và tôi là người trực tiếp tham gia. Nói cho vui thôi là năm 2002, tôi đã được nhận bằng khen là một nhà khoa học có đóng góp vào vấn đề xã hội hóa ở thành phố.
Vì đâu mà ông có ý tưởng đó?
Rất đơn giản thôi. Tôi tính toán với tư cách người theo dõi thành phố về nguồn thu ngân sách, thì với yêu cầu đầu tư như vậy, nhà nước không thể làm được. Tôi đặt ra câu hỏi: Nhưng tại sao nhà nước phải làm tất cả, trong khi mà xã hội ít nhất có thể làm tốt?
Một là, nếu anh có chất lượng tốt cho các bệnh viện, trường học, người dân sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho anh. Vậy tại sao anh không tăng chất lượng lên? Nhu cầu có, và tiếp tục tăng lên cùng với đà đi lên của nền kinh tế.
Hai là tại sao những cái mà tư nhân có thể tham gia thì nhà nước lại vẫn phải làm? Nhà nước chỉ nên dùng tiền ngân sách để làm những việc tư nhân không chịu làm thôi.
Nhưng chắc chắn ý tưởng đó cũng phải manh nha từ một gợi ý nào đó chứ? Từ một chuyến tham quan nước ngoài, chẳng hạn.
Đúng là nhiều cái tôi có học tập từ Trung Quốc. Ví dụ như năm '95 tôi sang Trung Quốc tham quan, thì thấy bên họ đã xuất hiện khái niệm "bỏ tiền một, thu lại ba" - tức là bỏ tiền ra làm một con đường, sau ba năm tự nhiên có ba con đường.
Hay vậy. Ông giải thích rõ đi.
Họ làm một con đường, và trong vòng 12 tháng bán ngay quyền khai thác cho tư nhân để lấy tiền làm tiếp con đường thứ hai, và cứ tiếp tục như vậy.
Tôi lấy ví dụ như đường Điện Biên Phủ, đường Hùng Vương lúc đó tính kinh phí là 700 tỷ ngân sách, bán quyền khai thác cho công ty hạ tầng thành phố lấy một nghìn tỷ liền, và lấy tiền đó làm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.
Khi đưa ra ý tưởng đó, ông có gặp khó khăn gì không?
Khi đề xuất, tôi cũng gặp nhiều ý kiến phản đối. Tôi nhớ có người lên án tôi là xúi thành phố bán đường. Bởi khi ấy những con đường đó có lực lượng đang thu phí, và họ luôn muốn giữ quyền lợi của mình.
Tôi bảo tôi có bán đường đâu, tôi nhượng quyền khai thác 10 năm mà. Mức phí do thành phố quy định cho những phương án của họ, hoàn vốn trong thời gian bao lâu, hết thời hạn đó thì hoàn trả cho nhà nước.
May mà các lãnh đạo thành phố như ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Minh Triết, hay ông Lê Thanh Hải ủng hộ rất mạnh, nên đề xuất đó mới được chấp thuận. Sau đó vài năm, Trung ương chuyển thành quy định chung của cả nước.
Sau đó trên cách ấy thì cuối cùng ở thành phố HCM kể từ khi làm dự án đường Điện Biên Phủ-Hùng Vương thì có bao nhiêu con đường được làm, hoặc nâng cấp, theo hình thức như vậy?
Bây giờ làm hầu hết rồi.