Thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết quý 2/2014, toàn thành phố mới trả nợ đất dịch vụ cho hơn 18.000/77.526 hộ dân đang có nhu cầu sử dụng đất dịch vụ, với tổng diện tích 842,66ha, đạt gần 23%.

Gần 60.000 hộ dân ở thành phố Hà Nội đang cần đất dịch vụ. (Ảnh: TTXVN)

Điều đáng lo ngại, hiện nay nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa giao được thửa đất dịch vụ nào cho dân, khiến không ít hộ dân bức xúc.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố đang có 77.526 hộ dân đang có nhu cầu sử dụng đất dịch vụ với tổng diện tích 842,66ha, bao gồm cả diện tích xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, diện tích đất dịch vụ đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân 86,33ha; diện tích đã hoàn thiện việc xây dựng hạ tầng 314,05ha; diện tích đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 51,55ha; diện tích đất dịch vụ còn thiếu là 390,73ha.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân chậm giao đất dịch vụ là do nhiều vị trí khu đất phải thực hiện rà soát và điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu.

Bên cạnh đó, có những vướng mắc do hệ thống chính sách về giao đất dịch vụ chưa thống nhất do áp dụng nhiều quy định chính sách của các địa phương trước khi hợp nhất, trong khi sự vào cuộc của các cấp chính quyền tại địa phương còn hạn chế.

Hơn nữa, kinh phí xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ rất lớn, vượt khả năng cân đối của thành phố và các quận, huyện. Chính vì thế, nhiều địa phương dù đã có quỹ đất, xây dựng xong hạ tầng nhưng vẫn chưa thực sự vào cuộc. Thậm chí, nhiều huyện còn chưa chưa giao đất cho người dân như: Quốc Oai, Ba Vì, Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh...

Nhìn nhận thực trạng nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, cho biết giao đất dịch vụ cho người dân là nhiệm vụ rất quan trọng, vì vậy, các quận, huyện phải tích cực vào cuộc, rà soát, khẩn trương thực hiện.

"Các địa phương phải làm rõ vì sao chậm, để cùng tháo gỡ. Do cơ chế, chính sách hay do cán bộ không thực hiện quyết liệt? Cùng một cơ chế, chính sách, vì sao có nơi làm tốt, giao được nhiều đất dịch vụ cho dân, trong khi những nơi khác lại trì trệ như vậy?" Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh trăn trở.

Để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết, thành phố sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ.

Đối với quỹ đất dịch vụ đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 53,76ha và quỹ đất còn thiếu là 314,22ha, thành phố thống nhất cho phép Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã nghiên cứu, đề xuất theo hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cũng yêu cầu các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện ứng kinh phí, tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, để đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ.

Đối với các địa phương còn thiếu quỹ đất dịch vụ, thành phố sẽ xem xét đề xuất trả người dân bằng tiền thay cho giao đất dịch vụ. Dự kiến, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành kế hoạch giao đất dịch vụ cho dân trong năm 2014./.

Thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, chuyển đổi nghề bằng hình thức giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi theo Nghị định 17/2006/CP và Nghị định 84/2007/CP của Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện phải hoàn thành việc giao đất dịch vụ để ổn định đời sống cho người dân.

Theo đó, các địa phương phải đền bù đất cho các hộ dân bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp để phục vụ các dự án phát triển giao thông, đô thị.

Đất dịch vụ là diện tích đất mà người bị thu hồi đất nông nghiệp được hưởng tương đương khoảng 10% diện tích bị thu hồi, tùy theo quy định của từng địa phương. Đất dịch vụ được cấp lâu dài, được cấp phép xây nhà để ở hoặc kinh doanh...
Hùng Võ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.