UBND TPHCM trưng mua căn nhà, nhưng không mua đất. Sở Tài chính căn cứ quyết định của ủy ban để định giá nhà mà không tính giá trị quyền sử dụng đất (giá đất).

Chủ nhân căn nhà phản đối và yêu cầu phải tính giá đất, nếu không thì trả lại nhà. Những rắc rối trong vụ mua nhà, không mua đất này kéo dài nhiều năm.

Căn nhà số 29/5 đường Hoàng Diệu, phường 10, quận Phú Nhuận - TPHCM là biệt thự 2 tầng, trong khuôn viên đất 650m2 của vợ chồng bà Nguyễn Thị Quý. Chủ nhân cho một doanh nghiệp nhà nước thuê, sau đó doanh nghiệp này bố trí cho 8 hộ cán bộ ở. Chủ căn hộ muốn bán căn nhà này và UBND TPHCM quyết định mua lại.

Một góc căn nhà 29/5 Hoàng Diệu, 31 năm mua bán chưa xong. Ảnh: Võ Luận.

Ngày 4.10.2007, UBND TPHCM ban hành Quyết định 4457/QĐ-UBND về xác lập sở hữu nhà nước và tiếp nhận căn nhà số 29/5 Hoàng Diệu. Điều 2 quyết định ghi: “Giao Sở Xây dựng TP chủ trì cùng Sở Tài chính... và các ngành chức năng thực hiện thủ tục bàn giao, tiếp nhận quỹ nhà ở ghi tại điều 1 theo phương thức ghi tăng, giảm tài sản của các đơn vị theo quy định; đồng thời xử lý việc trả tiền mua nhà số 29/5 Hoàng Diệu cho bà Nguyễn Thị Quý theo quy định của pháp luật”.

Qua nhiều năm với nhiều thủ tục hành chính, nhưng vẫn không giải quyết được việc trả tiền mua nhà cho bà Quý; ngày 21.7.2010, Sở Tài chính có văn bản số 7537/STC-NS giải quyết khiếu nại của bà Quý, chấp thuận thanh toán tiền trưng mua nhà số 29/5 Hoàng Diệu với giá 1.127.763.000 đồng. Bà Quý tiếp tục khiếu nại, không đồng ý với giá trưng mua trên. Việc xác định giá trị nhà để trưng mua mà không xác định giá đất là không công bằng, không đúng pháp luật. Theo bà Quý, giá thực tế của căn nhà, cộng với diện tích đất 650m2 là 50 tỉ đồng, Sở Tài chính tính nhà mà không tính giá đất thì chẳng lẽ bứng nhà đi. Cho nên, nếu không thống nhất giá thì trả lại nhà và đất cho bà.

Ngày 24.8.2010, tại văn bản gửi Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị giải quyết khiếu nại cho bà Quý, luật sư được ủy quyền phân tích: Bất động sản tọa lạc tại 29/5 Hoàng Diệu bao gồm nhà và đất, Quyết định số 4457 của UBND TPHCM trưng mua bất động sản nêu trên phải được hiểu là “trưng mua nhà và đất”. Sở Tài chính hiểu chỉ “trưng mua nhà” nên định giá nhà mà không định giá đất là không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân có tài sản mà Nhà nước trưng mua. Việc định giá nhà để hoàn trả mà không định giá đất theo văn bản của Sở Tài chính sẽ dẫn đến hệ lụy là quyết định của UBND TP sẽ không thể thực hiện được. Luật Nhà ở, Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự đã có quy định về bảo vệ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nên không thể hiểu quyết định của UBND TPHCM là trưng mua nhà mà không trưng mua đất, để rồi Sở Tài chính chỉ trả tiền nhà mà không trả tiền đất.

Một rắc rối khác, nếu trưng mua nhà mà không trưng mua đất, thì theo Điều 253 Bộ luật Dân sự, quyền chủ sở hữu đối với diện tích đất tại 29/5 Hoàng Diệu vẫn thuộc quyền của bà Quý, bà có quyền giữ lại phần diện tích đất không bị trưng mua. Về mục đích trưng mua, tại điều 3 của Quyết định 4457, mục đích trưng mua bất động sản 29/5 Hoàng Diệu không vì lý do an ninh quốc phòng và vì lợi ích quốc gia, mà để cho các cá nhân khác thuê hoặc bán lại cho người đang thuê, nên trong trường hợp này giá trưng mua không thể tính theo giá Nhà nước, mà phải tính theo giá gần sát với giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Sở Tài chính áp giá theo giá Nhà nước là chưa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu tài sản.

Vụ việc kéo dài nhiều năm, khiếu nại nhiều lần vẫn chưa được giải quyết dứt điểm chỉ vì quan điểm mua nhà nhưng không mua đất, hay đúng hơn là quyền sử dụng đất. Xin được hỏi Sở Tài chính TPHCM, trong các giao dịch mua bán nhà và đất hiện nay, nếu căn nhà tọa lạc trên một mảnh đất, có ai chỉ mua nhà mà không mua đất hay không?

Cafeland.vn - Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland