02/10/2014 4:06 PM
Xóa đi khu "ổ chuột" tại các quận 1, 2, 4, 7, 8, Bình Thạnh... TPHCM là vấn đề cần làm, nhưng thực hiện thế nào để vừa chỉnh trang đô thị vừa đảm bảo cho người dân thuộc diện giải tỏa ổn định cuộc sống thì hiện vẫn chưa tìm được lời giải thỏa đáng.

Điều đáng quan ngại là hiện nay ngay cả những quận huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Hóc Môn cũng xuất hiện các khu dân cư (KDC) gần giống với các khu "ổ chuột" nên chính quyền thành phố cần phải có những chính sách để điều chỉnh hợp lý.

Nhiều khu dân cư "ổ chuột" đang chờ giải tỏa

Nhiều khu nhà bỏ hoang

Hiện quỹ nhà tái định cư (TĐC) của TPHCM không thiếu, tuy nhiên việc bố trí lại gặp không ít khó khăn. Điển hình là khu TĐC trên Tỉnh lộ 10, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh rộng 30ha, có tới 45 lô chung cư với quy mô khoảng 2.000 căn hộ và 559 nền TĐC. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng tôi, đến nay mới chỉ có vài block thuộc khu C có người ở và chừng hơn 100 hộ có đất nền đã cất nhà; số căn hộ còn trống chiếm khoảng 80% đang có dấu hiệu xuống cấp. Ông Trần Trọng Nghĩa (SN 1958, ngụ nhà số 5, đường 5, khu TĐC Vĩnh Lộc B) cho biết, gia đình ông với gần 20 nhân khẩu trước đây sinh sống tại rạch Lò Gốm, P9Q6. Tuy đã dời về đây nhưng hằng đêm, các con của ông Nghĩa vẫn phải về chợ Bình Tây độ nhật bằng nghề bốc vác. Gia cảnh khó khăn nên bản thân ông hằng ngày vẫn phải dùng xe ba gác chở phế phẩm may mặc về tách lấy sợi nhựa bán cho các cơ sở tái chế.

Chúng tôi thắc mắc, tại sao dân cư thưa thớt nhưng hầu như block nào ở đây cũng có quán cà phê, một người dân ngụ trong khu vực giải thích: "Khu TĐC này vắng tới mức năm phút mới có chiếc xe máy chạy qua, chỉ nhộn nhịp vào lúc 6 giờ sáng và 17 giờ vì người dân đưa đón con đến trường, tới 19 giờ là vắng như chùa bà Đanh. Sở dĩ có nhiều quán cà phê là do cư dân ở đây không có việc làm, bán thứ khác không để được lâu nên đành mở quán cà phê kiếm tiền trang trải.

"Ổ" cũ chưa xóa, khu mới lại mọc

Trong khi hàng ngàn căn hộ tại những khu nhà TĐC đang bị bỏ hoang thì ở nhiều nơi khác dân nghèo vẫn phải vất vả tìm nơi định cư, bất chấp tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến khu vực cánh đồng trên đường Võ Văn Vân sau khi vượt qua con đường đất lầy lội, gọi là cánh đồng nhưng giờ dẫu có tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy được vạt lúa ở khu vực này, khắp nơi chỉ toàn là nhà, mỗi cụm chừng dăm ba đến vài chục nóc. Nhiều chỗ tự phát nằm chen lẫn, thậm chí vây lấy khu mả gia tộc.

Chỉ cho chúng tôi dòng nước bơm lên từ giếng khoan có màu vàng đục, anh Hùng - sống tại đây - cho biết: "Khu này hiện đang hứng chịu ô nhiễm môi trường nhưng người dân vẫn phải sử dụng giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt".
So với ấp 3, tại ấp 6 xã Vĩnh Lộc B, việc ô nhiễm nguồn nước còn nặng nề hơn do tuyến kênh chảy qua đây bị hàng chục trại heo, cơ sở giặt tẩy công nghiệp xả thải trực tiếp xuống. Nhà ở sát mé kênh, anh Võ Duy Lâm thừa nhận biết là không nên sử dụng giếng khoan thực chất toàn nước phân heo, hóa chất của các cơ sở... nhưng không dùng thì biết lấy nước sạch đâu ra? Những năm trước các trường hợp như anh về vùng này mua 50 - 60m2 đất nông nghiệp do "cò” tự phân lô bán nền từ 120 - 150 triệu đồng rồi xây lên. Phần lớn chấp nhận chi tiền để "cò” cất cho họ những căn nhà không phép, rồi cứ thế mà sống trong... sợ hãi! Khi được UBND huyện cấp số nhà tạm, nỗi lo lắng xuống thì chuyện con cái học hành, sức khỏe của các thành viên trong gia đình lại trở thành nỗi ám ảnh thường trực. Có thể nói nếu không quản lý hiệu quả, kiên quyết thì việc xóa các KDC "ổ chuột" tại TPHCM chẳng những có nguy cơ lâm vào tình trạng "bắt cóc bỏ dĩa" mà còn bị các KDC tự phát phá nát quy hoạch thành phố theo kiểu... "vết dầu loang".

Cần thay đổi tư duy về tái định cư

Theo người dân tại khu TĐC Vĩnh Lộc B, về đây sinh sống mới thấy hết sự bất tiện. Chung cư 5 tầng không có thang máy, khiến người già và trẻ em rất vất vả khi lên xuống. Đó là chưa kể các hộ ở tầng 5 không thể chịu nổi cái nắng hắt từ mái tole xuống do trần nhà được đóng bằng tấm nhựa. Thêm vào đó, quãng đường di chuyển từ nơi ở vào trung tâm thành phố làm việc khá xa. Được biết, ngày 15-7-2014 UBNDTP đã tạm ứng 5 tỷ đồng cho Công ty TNHH một thành viên dịch vụ công ích H. Bình Chánh duy tu, bảo dưỡng, có hạng mục đóng trần thạch cao thay nhựa cho các hộ lầu 5 khu TĐC trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM - chia sẻ: "Hiện nay tại các nước tiên tiến vẫn tồn tại khu "ổ chuột" nên việc xóa hết các trường hợp này rất khó, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Khu TĐC cũng cần tạo điều kiện để người dân có thể sinh sống, học tập, làm việc, vui chơi, giải trí thuận tiện. Người dân thuộc diện giải tỏa, khi nhận nhà TĐC trước tiên phải nghĩ đến chuyện sống như thế nào, làm gì để tồn tại, con cái học hành ra sao... chứ không đơn thuần chỉ là tìm nơi để ở. Bất cứ KDC nào, từ cao cấp đến trung bình hay "ổ chuột" cũng đều phải có hoạt động an sinh. Cho nên, cần có biện pháp giải quyết cuốn chiếu, tôn trọng ý kiến của người thuộc diện giải tỏa. Bên cạnh việc phải có quỹ nhà để giải quyết bài toán TĐC, tạm cư phải đi kèm lời giải thiết thực.

Mặc dù người dân thuộc diện TĐC có tâm lý thích đất nền song trong tương lai, TPHCM không thể phát triển theo kiểu "vết dầu loang" nếu cứ để tình trạng xây cất trái phép hình thành nên các KDC trái phép ở ngoại thành. Bởi lẽ, thành phố không có quỹ đất để đáp ứng nhu cầu của người dân và sẽ rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ dĩa", giải tỏa chỗ này họ lại chạy qua chỗ khác, lập khu "ổ chuột" khác, dẫn đến việc nhiều năm sau ta vẫn mãi loay hoay giải tỏa, TĐC. Trong tương lai, phát triển nhà cao tầng, lấn không gian sẽ là xu hướng của TPHCM. Những vấn đề đó buộc chúng ta phải cân nhắc lại để tìm hướng giải quyết bài toán nan giải này".

Ninh Giang (Công an TPHCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.