07/07/2011 2:26 PM
Sau khi bài "Thạnh An-Dân còn chưa an” đăng trên báo Đại Đoàn kết số 149 (ra ngày 23-6-2011), phóng viên báo Đại Đoàn kết đã được cung cấp thêm một số thông tin về việc di dời người dân xã đảo, xin được chuyển tải tiếp đến bạn đọc.
TP.Hồ Chí Minh: Đảo Thạnh An bị “treo” đến bao giờ?
Cuộc sống của người dân Thạnh An gắn liền với nghề đánh bắt thủy sản

Có cần xác định lại mục tiêu quy hoạch?

Với mục tiêu sắp xếp, bố trí lại dân cư xã đảo Thạnh An-huyện Cần Giờ nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng, biển đảo, UBND TP đã chỉ đạo UBND huyện Cần Giờ, các sở ngành liên quan chọn địa điểm di dời và xây dựng hoàn chỉnh dự án di dời người dân xã đảo. Ngày 13-8-2007 Sở Tài nguyên & Môi trường đã có văn bản số 6470 đề xuất bố trí di dời người dân Thạnh An đến sinh sống tại khu vực Đồng Đình nằm về phía Bắc trung tâm thị trấn Cần Thạnh. Ngày 22-3-2010 Huyện ủy Cần Giờ đã có Tờ trình số 31 xin chủ trương lập dự án di dời, Tờ trình 31 mới chỉ khái quát một số nội dung cơ bản nên các sở, ngành chưa thể xem xét thẩm định, trình thường trực UBNDTP. Vì vậy, kết luận chỉ đạo của ông Nguyễn Trung Tín-Phó Chủ tịch UBND TP đã giao Huyện ủy, UBND huyện Cần Giờ xác định số hộ dân và nhân khẩu phải di dời để xây dựng hoàn chỉnh dự án di dời báo cáo UBNDTP.

Xã đảo Thạnh An gồm 3 ấp: Thạnh Bình, Thạnh Hòa, Thiềng Liềng với trên 1.000 hộ dân. Năm 2007, quy mô di dời được huyện xác định là toàn bộ dân cư ở 3 ấp vào đất liền, đến năm 2010 quy mô di dời được xác định lại chỉ còn khoảng 30-50% dân số của 2 ấp Thạnh Bình, Thạnh Hòa tương đương di dời từ 300-450 hộ. Về quy mô di dời, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nếu xác định quy hoạch để bảo đảm an ninh quốc phòng biển đảo nên di dời toàn bộ dân, xây dựng đảo thành đảo phục vụ quốc phòng. Còn việc di dời khoảng 50% hộ dân với mục tiêu giãn dân, sắp xếp lại dân cư được xác định là theo tinh thần tự nguyện, vậy nếu toàn bộ người dân muốn ở lại đảo không di dời thì có phải đề án này làm phí công? Nếu áp đặt, cưỡng chế di dời liệu có phát sinh so sánh, phân bì giữa hộ đi và ở? Một cán bộ quy hoạch cho rằng định hướng hay nhất là sắp xếp tái định cư người dân tại chỗ và đảo rất thích hợp để đầu tư thành đảo du lịch, tạo điều kiện cho người dân xã đảo phát triển các dịch vụ du lịch bên cạnh nghề biển truyền thống.

Dân Thạnh An bao giờ an cư?

Tháng 6-2010 Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có báo cáo UBNDTP Đề án di dời dân xã đảo Thạnh An, theo đó mỗi hộ sẽ được cấp một nền nhà 200m2 ở khu phố Giồng Ao- thị trấn Cần Thạnh cùng các chính sách hỗ trợ ở nơi đi về di chuyển người, hành lý; Hỗ trợ ở nơi đến về công cụ sản xuất, giống cây trồng, lương thực, mức 12 triệu đồng/hộ... Nếu theo đề án này liệu người dân có đủ tiền để xây nhà ở nơi ở mới khi trên 50% hộ dân xã đảo thuộc diện xóa đói giảm nghèo? Mặt khác theo Huyện ủy Cần Giờ đối tượng di dời là những hộ phi nông nghiệp, hộ sống bằng nguồn thu nhập không từ hoạt động kinh tế của xã Thạnh An. Nhưng theo Thông tư 14/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về Quy trình bố trí ổn định dân cư và Quyết định số 193 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bố trí dân cư vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015 thì các đối tượng nêu trên không thuộc diện đối tượng phải di dời.

Gần 5 năm qua, thông tin di dời dân cư trên đảo vào đất liền tác động không ít đến cuộc sống của người dân xã đảo khiến nhiều người xôn xao, lo lắng không biết số phận của mình sẽ ra sao? Sự lúng túng giữa chính quyền, sở ban ngành càng làm mọi việc thêm nhùng nhằng. Trả lời phóng viên báo Đại đoàn kết, ông Huỳnh Cách Mạng- Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết huyện hiện đang làm đề cương đề án di dời để trình thành phố. Đề án này được xem là vượt quá khả năng của huyện nên huyện phải phối hợp với các sở, ngành có liên quan để làm, thành phố phê duyệt đề cương xong mới đến bước làm kế hoạch chi tiết và bao giờ hoàn tất đề án cũng chưa thể nói được.

Nằm án ngữ trước cửa các con sông lớn, chịu ảnh hưởng của nhiều dòng chảy phức tạp nên đảo Thạnh An chỗ lở, chỗ bồi. Nhưng lở thì nhiều, bồi thì ít và đoạn đê chắn sóng khoảng 1,5km đã đầu tư cũng chưa thấm vào đâu so với yêu cầu của thực tế. Vì thế trong lúc các cấp chính quyền, các sở ngành còn chưa biết di dời dân như thế nào, quy mô ra sao thì việc ưu tiên trước mắt là cần đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao chắn sóng chống xâm thực, xói mòn, bảo vệ đất.
Theo Bảo Hạnh (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.