Được Thủ tướng cho phép thực hiện theo dạng thí điểm, dự kiến trong vòng 10 ngày nữa chính quyền TPHCM và Tập đoàn GS Engineering & Construction (GS E&C - Hàn Quốc) sẽ tiến hành đàm phán vấn đề liên quan đến mức tiền thuê và sử dụng đất áp dụng cho dự án khu đô thị mới Nhà Bè Metrocity.
TPHCM và GS E&C sẽ đàm phán tiền đất
Cầu bắc qua sông Sài Gòn nằm trên tuyến đường Vành Đai Ngoài - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi do GS E&C đầu tư xây dựng. Ảnh: Kinh Luân

Đây là một trong số các nội dung chính được đề cập trong buổi làm việc chiều ngày 3-4 giữa Phó chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín và ông Huh Myung Soo, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GS E&C.


Theo như phần trình của bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, nguyên nhân phát sinh vấn đề trên là do khoảng chênh lệch giữa tiền thuê đất và tiền sử dụng đất. Vì Nhà Bè Metrocity không đơn thuần là một dự án đầu tư bình thường mà có liên quan đến lãnh vực kinh doanh địa ốc nên theo quy định của pháp luật Việt Nam thì ngoài khoản tiền thuê đất mà một nhà đầu tư nước ngoài như GS E&C phải trả cho gần 350 héc ta của dự án thì họ còn phải đóng thêm khoản tiền sử dụng đất cho các căn hộ thương phẩm.


Một cán bộ của Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM giải thích, khi thực hiện dự án này, GS E&C sẽ làm theo kiểu xây xong đến đâu, bán nhà đến đó, và sẽ phải đóng trước cho thành phố khoản tiền sử dụng đất mà khách mua nhà phải chịu.


Được biết khi quyết định giao đất cho GS E&C thực hiện dự án đô thị trên, chính quyền phố đã phải thực hiện di dời gần 4.000 hộ dân. Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín, đến nay chỉ còn một số hộ khiếu nại nhưng thành phố cam kết sẽ thực hiện đầy đủ những gì đã hứa với nhà đầu tư, mặc dù có thể là hơi chậm.


Theo tài liệu mà Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online có được, khu đô thị mới Nhà Bè Metrocity được triển khai trên địa bàn hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức, với các công trình để bán và cho thuê như chung cư, nhà đơn lập, nhà liên kế, văn phòng, cao ốc đa năng, siêu thị, khu thương mại…


Theo kế hoạch ban đầu, nhà đầu tư sẽ bỏ ra khoảng 189 triệu đô la Mỹ để xây dựng cơ sở hạ tầng trong hai năm 2009 - 2010, sau đó bắt đầu xây dựng các công trình khác từ năm 2011. Ngoài ra, họ cũng có quyền cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại quyền sử dụng đất đối với các khu đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, hoặc dùng quyền sử dụng đất để góp vốn thành lập công ty trực thuộc với thời hạn đến 50 năm.


Vấn đề thứ hai mà phía GS E&C nêu ra tại buổi gặp trên liên quan đến dự án đường Vành Đai Ngoài - Tân Sơn Nhất - Bình Lợi. Được thực hiện theo phương thức BT (xây dựng - chuyển giao) với quy mô từ 6 - 12 làn xe, tuyến đường dài 13,65 ki lô mét này đã được triển khai hơn 3 năm qua nhưng theo GS E&C thì đến nay tiến độ vẫn quá chậm.


Trong văn bản của mình, nhà đầu tư Hàn Quốc này đã thúc giục UBND TPHCM cần phải xác nhận ngày khởi công chính thức là 9-6-2011 và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.


Bà Lan từ Sở Tài chính đề nghị GS E&C xem lại khâu chuyển tiền để phục vụ công tác đền bù giải tỏa. “Vào lúc này người dân đồng ý nhận tiền đền bù để di dời, nhưng nếu tiền không có kịp thì mai mốt giá đất lên cao sẽ rất khó khăn”, bà Lan nói.

Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.