Theo Sở Xây dựng TP.HCM, kể từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực (năm 2006) đến nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 25 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 83,7 ha với khoảng 21.750 căn hộ, tổng vốn đầu tư khoảng 13.700 tỷ đồng.
Trong số 25 dự án này, có 20 dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc là đất công (do nhà nước trực tiếp quản lý) và 5 dự án được đầu tư xây dựng tại quỹ đất do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đầu ra cho các dự án nhà ở giá rẻ đang rơi vào bế tắc, nhiều dự án đã phải ngừng thi công hoặc không thể thi công.
Theo ghi nhận, vấn đề vốn đang là khó khăn lớn nhất đối với tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP.HCM, cả các dự án do nhà nước đầu tư hay các dự án giao cho doanh nghiệp đầu tư.
Cụ thể, đến thời điểm này, chỉ có 14 dự án đã, đang và chuẩn bị khởi động, còn 11 dự án với quy mô hơn 13.900 căn phải “chờ” do thiếu vốn đầu tư (khoảng 7.856 tỷ đồng).
Tại dự án cao ốc căn hộ 213 – 216 lô 2 Linh Xuân (phường Linh Trung, Thủ Đức), dù đã được UBND TP giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư từ tháng 5/2009 nhưng đến nay 2 khối chưa thi công, 3 khối còn lại đã ngưng thi công từ tháng 7/2011 do thiếu vốn.
Còn tại dự án số 35, Hồ Học Lãm (phường An Lạc, Bình Tân), được UBND TP.HCM giao cho Quỹ phát triển nhà ở TP đầu tư từ tháng 11/2007 nhưng công trình đã ngưng thi công từ tháng 11/2012 do không có vốn đầu tư.
Điều đáng chú ý, dù đây là những dự án nhà ở xã hội do UBND TP.HCM trực tiếp chỉ đạo và giao cho các công ty, đơn vị nhà nước thực hiện đầu tư nhưng vẫn vướng thủ tục. Một số dự án ngoài vấn đề thiếu vốn, việc chậm trễ triển khai còn do thủ tục chưa đủ, pháp lý chưa rõ ràng.
Đối với các dự án do doanh nghiệp tự bồi thường giải phóng mặt bằng, các khó khăn, vướng mắc liên tục nảy sinh.
Đại diện Tổng Công ty Xây dựng số 1 – chủ đầu tư dự án chung cư Hạnh Phúc dành cho người thu nhập thấp – cho biết, mặc dù đây là dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được ưu tiên hỗ trợ lãi suất vay của ngân hàng nhưng hơn 2 năm nay đơn vị này vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này.
Hiện nay, do giá thành các nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào tăng nên giá thành căn hộ cũng tăng theo (khoảng 12 triệu đồng/m2). Trước tình hình thị trường bất động sản còn khó khăn, Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã đề xuất UBND TP mua lại quỹ nhà của dự án này nhưng chưa được chấp nhận.
Nếu như cách đây vài năm, nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp được xem là “miếng mồi béo bở” cho các nhà đầu tư bất động sản, thì đến nay tình hình có vẻ trái ngược lại. Một số chủ đầu tư lo ngại rằng, bỏ tiền ra đầu tư các dự án này mà bán không được, hoặc bán không hết cho các đối tượng đăng ký sẽ mất vốn, ôm hàng tồn.
Chính vì vậy, Hợp tác xã Gia Phú – chủ đầu tư chung cư Thạnh Lộc (phường Thạnh Lộc, quận 12) – kiến nghị, cho phép chuyển dự án này cho chương trình tái định cư của TP, được bán trực tiếp và rộng rãi cho các đối tượng chưa đăng ký hoặc chuyển sang nhà ở thương mại nếu đầu ra không được đảm bảo.
Theo các chuyên gia, trong tình hình bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, đầu ra cho các sản phẩm nhà ở thu nhập thấp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chi phí giá thành căn hộ thu nhập thấp vào thời điểm này rất cao, cộng thêm 10% lợi nhuận định mức nên giá bán căn hộ thu nhập thấp không thể dưới 12,3 triệu đồng/m2.
Một nghịch lý đang diễn ra trên thị trường bất động sản TP.HCM là nhà ở thu nhập thấp lại phải cạnh tranh về giá so với nhà ở thương mại. Thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã phải chấp nhận giảm giá xuống dưới 12 triệu đồng/m2 để cắt lỗ. Như vậy, giá nhà ở thu nhập thấp trên 12 triệu đồng/m2 liệu có người mua?
Khó khăn này nối tiếp khó khăn khác trên thị trường bất động sản đã làm không ít chủ đầu tư tự ý điều chỉnh lại quy mô căn hộ, giảm diện tích để xe, thu hẹp diện tích sinh hoạt chung, tăng phí dịch vụ… khiến niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường bất sản nói chung và các dự án giá rẻ nói riêng càng thêm hoài nghi và dè dặt.
-
Có gì ở công viên sáng tạo lớn nhất TP. Thủ Đức vừa vận hành?
Công viên sáng tạo TP. Thủ Đức có quy mô khoảng 10ha, kéo dài khoảng 1km dọc bờ sông Sài Gòn từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm. Đây là vị trí đắc địa bậc nhất TP. Thủ Đức với hàng loạt công trình hiện đại, đã và đang hình thành trung tâm tài chính mới ...
-
Ông Lương Trí Thìn sắp chi trăm tỷ mua 25 triệu cổ phiếu phát hành thêm của Đất Xanh
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) thông báo ông Lương Trí Thìn - Thành viên HĐQT sẽ thực hiện quyền mua 25 triệu cổ phiếu phát hành thêm với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, trong thời gian từ ngày 22/1 - 14/2....
-
Cận cảnh trung tâm triển lãm hơn 800 tỷ đồng bên bờ sông Sài Gòn vừa được “hồi sinh”
Sau nhiều năm ngừng thi công, dự án trung tâm triển lãm có vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng ở khu đô thị Thủ Thiêm đã được “hồi sinh”. Dự kiến, công trình quan trọng này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025....