18/04/2011 12:47 AM
Theo đánh giá của Bộ TN-MT, TP.HCM là địa phương có nhiều dự án, quy hoạch “treo” nhất cả nước. Nguyên nhân lại xuất phát từ… tâm huyết của người làm quy hoạch và những người có trách nhiệm trong việc chỉ đạo lập và phê duyệt.

Thiệt đơn thiệt kép

Năm 1996, Thủ tướng Chính phủ có quyết định thu hồi đất tại 4 xã Bình Hưng, An Phú Tây, Phong Phú và Hưng Long của huyện Bình Chánh để thực hiện xây dựng khu đô thị mới 2.600ha khu Nam TP.HCM. Tuy nhiên, đã 15 năm trôi qua, dự án vẫn đang lùm xùm và người dân ở các xã này vẫn phải ở trong những căn nhà mái tôn xập xệ, chỉ có thể tôn nền, nâng tường chống ngập chứ không thể xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà… Cù lao ấp Doi, quận Gò Vấp hơn 14 năm qua không hề có đường nội bộ, người dân muốn đi phải leo lên bờ ruộng, bao rạch nước... Người dân ở đây cho biết, cả khu vực vẫn đầy ruộng rau muống, nhà cửa chỉ dựng tạm bằng mái, vật liệu nhẹ vì muốn xây kiên cố không được. Ở đây từ năm 1995 đã quy hoạch làm công viên cây xanh với diện tích khoảng 40ha. Quy hoạch “treo” nhiều năm khiến cuộc sống các hộ dân quận nội thành mà chẳng khác gì vùng sâu vùng xa...


Cuộc sống tạm bợ của người dân vì quy hoạch “treo”

Hàng chục hộ dân ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi có đất, theo đúng thủ tục có thể được xem xét cấp “sổ đỏ”, nhưng khi muốn làm sổ hoặc muốn bán thì chính quyền bảo “vướng” quy hoạch. Khi người dân lên tận Sở QH-KT, Sở TN-MT thì được biết, dự án vẫn đang trong quá trình xem xét, thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000. Theo những người dân Tân Thông Hội, việc “treo” làm sổ khiến họ mất cơ hội làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì chỉ những khu đất làm thủ tục trước tháng 5-2009 mới được cấp sổ, còn ai chuyển đất từ nông nghiệp lên đất vườn, thổ cư sau này đều không được công nhận... Dự án chưa làm, quy hoạch chưa có mà đất không được chuyển nhượng, hợp thức hóa, đúng là người dân thiệt đơn thiệt kép.

Khó xóa quy hoạch, dự án “treo”

Sở QH-KT TP.HCM thông tin, việc lập quy hoạch 1/2.000 của các quận, huyện TP.HCM hiện gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo, quận, huyện nào cũng kêu vướng và việc lập quy hoạch bị ách lại vì thiếu quỹ đất dành cho công trình công cộng. Ví dụ như quận 9 chỉ tìm được khoảng 70ha đất dành làm bãi đỗ xe trong khi nhu cầu đến 170ha; huyện Nhà Bè chỉ tìm được khoảng 30ha đất, bằng 1/3 diện tích đất phải có làm bãi đỗ xe. Hay ở quận 8, quy hoạch công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí đều không thể làm được do nhiều khu vực như phường 11, 12 đã kín mít nhà dân, không còn quỹ đất để làm các công trình công cộng…

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng: Thực tế, thẩm quyền của UBND TP là đưa ra thiết kế phương án và phê duyệt quy hoạch chung 1/2.000, trong khi đó, mỗi sở lại thực hiện những thẩm quyền quy hoạch riêng. Sở TN-MT thực hiện quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất, Sở GTVT thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông; Sở Xây dựng lại nắm quy hoạch xây dựng nên không tránh khỏi tình trạng quy hoạch không đồng bộ. Mục đích của thành phố khi yêu cầu các quận, huyện làm quy hoạch 1/2.000 là để giữ đất làm đường sá, trường học, bệnh viện, cây xanh, tuy nhiên dự án “treo” lại xuất phát từ quy hoạch 1/500 khi các dự án này đã được giao đất, đã lập quy hoạch từ trước khi có 1/2.000 rồi. Do vậy, muốn xóa “treo” là phải xóa từ quy hoạch 1/500, chứ không phải từ quy hoạch 1/2.000. Cách làm như hiện nay của các quận, huyện là làm ngược và dẫn đến sự chồng chéo.

Tại cuộc họp về giải pháp xóa dự án, quy hoạch “treo” mới đây, lãnh đạo TP.HCM thừa nhận, nguyên nhân chủ yếu khiến quy hoạch kéo dài nhiều năm không triển khai được là do thiếu tiền đền bù. Quy hoạch kéo dài do chờ quyết định thu hồi đất, rồi giải tỏa, càng kéo dài, càng tốn kém chi phí. Hay như cách đền bù đến đâu làm hạ tầng đến đó khiến giá đền bù tăng, người dân càng nghĩ đất của họ tăng giá nên đòi tăng tiền đền bù... Đây là bất hợp lý do chính các cơ quan quản lý tạo ra.

Theo quy định, hàng năm các tỉnh, thành phố được trích 30-50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn (sau khi trừ các khoản bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các chi phí liên quan) để góp quỹ. Mức trích cụ thể do HĐND tỉnh, thành quyết định và đơn vị quản lý được dùng quỹ này để đền bù cho người dân có đất tại các khu quy hoạch “treo”.

Đây là hướng tháo gỡ cho việc đền bù giải phóng mặt bằng các dự án công trình công cộng hiện nay tại các quận, huyện TP.HCM. Bởi việc hình thành quỹ phát triển đất là một bước đột phá quan trọng về cơ chế đền bù cũng như để tạo ra quỹ đất. Nhận thức được vấn đề này, UBND TP.HCM cho biết, sẽ hạn chế mở rộng các tuyến đường nội thị có đông dân cư, thúc đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư các tuyến đường vành đai và cố gắng trong năm 2011 sẽ công bố chi tiết lộ giới và tiến độ thực hiện các tuyến đường tại 24 quận, huyện cũng như các dự án, quy hoạch “treo” còn tồn đọng cho dân biết.

Cafeland.vn - Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.