18/04/2011 12:56 AM
Nhiều khu đất trung tâm và tiệm cận các Khu đô thị mới tại TP.HCM đang trong tình trạng bỏ hoang nhưng nhiều đại gia cũng chưa chắc “chạm tay” được vào.

Quỹ đất biến thành “quỷ đất”

Chạy dọc Đại lộ Nguyễn Văn Linh từ trung tâm Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng qua Khu đô thị Nam Sài Gòn tới Quốc lộ 1A, dễ dàng nhận thấy hàng loạt khu đất dọc Đại lộ này bị bỏ hoang, cỏ dại mọc lên rậm rạp. Khi được hỏi thì người dân khu vực này cho biết là không biết đất của ai và dùng vào mục đích gì.

Tuy nhiên, tìm hiểu trong giới đầu tư BĐS và các tay “cò” đất thì chúng tôi được biết, đất tại đây đều đã có chủ, nhưng hàng chục năm nay vẫn bỏ hoang, đối lập với các khu đất đang “giành giật” sở hữu tại các khu vực khác.

Khu đất rộng hàng chục ha tiệm cận Khu Sunrise City (Quận 7) vẫn “ủ bệnh” trong nhiều năm trời

Về giá trị các khu đất trên, các chuyên gia cho rằng, rất khó để xác định giá trị thật của chúng, nhưng một điều chắc chắn rằng, vị trí của các khu đất này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị về phía Nam của TP.HCM.

“Nằm giữa hai Khu đô thị lớn và hiện đại (Phú Mỹ Hưng và Nam Sài Gòn), các khu đất ven Đại lộ Nguyễn Văn Linh đang trong tình trạng bỏ không là một sự lãng phí rất lớn và không đáng có”, một nhà đầu tư cho chúng tôi biết.

Tại các khu đất ven Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) và các khu đất nằm trên trục Xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn Quận 9 và Thủ Đức, cũng có khá nhiều khu đất vẫn bỏ không hoặc được sử dụng với mục đích phi kinh tế.

Còn tại bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh – một trong những quận trung tâm của TP.HCM – hàng trăm ha đất còn nằm trong diện đất nông nghiệp, nhưng hầu như không sản xuất được gì bởi ô nhiễm. Trước đây, gần như toàn bộ khu đất này đã được quy hoạch để xây dựng các trung tâm thương mại – dịch vụ, sau đó dự án này bị phá sản và “nằm ngủ” cho đến tận bây giờ.

Nhiều nhà đầu tư, trong đó có không ít đại gia đều ngần ngại khi hướng mục tiêu đầu tư tại các khu đất này. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chính vẫn là cơ chế “nhiêu khê” của các cấp có thẩm quyền.

“Vướng” quy hoạch tổng thể

Theo định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6/1/2010 thì TP.HCM sẽ phát triển mở rộng theo 5 hành lang gắn kết với 7 tỉnh xung quanh gồm: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.

Riêng khu vực nội thành cũ, TP.HCM sẽ phát triển theo 2 hướng chính là hướng Thủ Thiêm – Quận 2 và Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Ngoài ra, TP.HCM cũng mở rộng khu nội thành (còn gọi là khu nội thành mở rộng) theo hướng ưu tiên về phía Đông và Đông Nam .

Như vậy, trong vòng 14 năm tới (tức từ nay đến năm 2025), TP.HCM sẽ phải “gánh” khối lượng cơ sở hạ tầng khổng lồ mới có thể định hình một thành phố phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, hiện còn quá nhiều khu đất bị lãng phí. Đây rõ ràng là một nghịch lý.

Các nhà hoạch định đô thị cho rằng, mấu chốt lớn nhất hiện nay là TP.HCM đang vướng đề án quy hoạch tổng thể và chưa có sự thống nhất cũng như phối hợp nhịp nhàng với các tỉnh thành lân cận. Đơn cử như dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Dầu Dây (Đồng Nai), sự chênh lệch giữa giá đền bù giải tỏa của hai địa phương này đã gây trở ngại không nhỏ cho quá trình giải phóng mặt bằng.

Một thực tế đang diễn ra là mật độ xây dựng ở TP.HCM vẫn chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Chính vì vậy, đô thị mọc lên phần lớn không theo quy hoạch, dẫn đến thực trạng nhiều khu đất chưa có quy hoạch lại được xây dựng còn những khu đất mặc dù đã nằm trên bản đồ quy hoạch từ hàng chục năm nay nhưng vẫn trong tình trạng hoang phế.

Một số chuyên gia còn cho rằng, sự thiếu minh bạch trong cơ chế đấu thầu cũng là trở ngại không nhỏ cho tiến trình đô thị hóa tại TP.HCM. Chính vì vậy, một số công trình trọng điểm, TP.HCM buộc phải xin ý kiến Trung ương để được cơ chế chỉ định nhà thầu. Tuy nhiên, cơ chế chỉ định thầu chủ yếu dành cho các công trình giao thông và phúc lợi xã hội, còn các công trình mang tính chất thương mại thì còn cả một hành trình gian nan.

Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX xác định 6 chương trình đột phá nhằm phát triển KT – XH TP.HCM gian đoạn 2011 – 2015, điểm đáng chú ý là 3 trong số 6 chương trình đột phá này đều nhắm vào việc phát triển đô thị TP.HCM nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước và giảm ô nhiễm môi trường. Như vậy, vấn đề đặt ra là phát triển đô thị như thế nào để đạt được mục tiêu này, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM khẳng định: Sẽ thống nhất quản lý đô thị theo quy hoạch. Mặc dù quyết tâm này đưa ra có phần hơi muộn và chưa dám nói là thực hiện đồng bộ được hay không nhưng với nhận thức và quyết tâm trên, hy vọng “con thuyền” đô thị TP.HCM sẽ về đúng bến.

tag: dat vang tp.hcm , quy hoach treo, phát triên khong dong bo
Cafeland.vn - Theo Lê Nguyễn (Tổ Quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.