Hạn chế dân số và nhà cao tầng ở khu lõi trung tâm, tập trung phát triển cao tầng dọc bờ tây sông Sài Gòn, bảo tồn không gian biệt thự ở khu vực Q.3, tổ chức hệ thống không gian ngầm và không gian đi bộ,… là một số trong những nội dung chính của Đồ án lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa báo cáo thường trực Thành ủy TP.HCM về nội dung Đồ án lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố.

Theo đó, khu trung tâm TP.HCM hiện hữu mở rộng có diện tích 930 ha, bao gồm các Q.1, Q.3 và một phần Q.4, Q.Bình Thạnh, được chia thành năm phân khu đặc thù với quy mô dân số 226.000 người.

Cụ thể, khu vực thương mại - tài chính rộng 92,3 ha, là khu vực lõi trung tâm nằm trong ranh giới Q.1, dân số dự kiến 32.000 người.


TP.HCM sẽ tập trung phát triển cao tầng dọc bờ sông Sài Gòn - Ảnh: Diệp Đức Minh

Khu vực trung tâm văn hóa - lịch sử rộng khoảng 212,2 ha (chạy xung quanh trục đường Lê Duẩn, Q.1), dân số dự kiến 43.600 người.

Khu bờ tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (thuộc một phần Q.1, Q.4 và Q.Bình Thạnh) rộng khoảng 248,34 ha, dân số dự kiến 31.200 người.

Khu biệt thự ở Q.1 và Q.3 rộng 232,3 ha, dân số dự kiến 76.300 người và khu vực lân cận khu thương mại - tài chính rộng 117,5 ha, dân số dự kiến 42.900 người.

Theo định hướng quy hoạch đã triển khai trong đồ án, khu trung tâm thành phố sẽ hạn chế tăng quy mô dân số, tái định cư tại chỗ và tái định cư các khu vực lân cận trong phạm vi Q.1, Q.3, Q.4; bổ sung dân số đối với Q.Bình Thạnh.

Hạn chế phát triển cao tầng ở khu vực lõi trung tâm hiện hữu để giảm bớt sự quá tải lên cơ sở hạ tầng. Tập trung phát triển cao tầng dọc bờ tây sông Sài Gòn (gồm các khu vực chính: khu Tân Cảng, khu nam Thị Nghè, khu Ba Son, khu công viên bến Bạch Đằng và khu cảng Q.4) nhằm kết nối không gian với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu trung tâm còn mở rộng không gian đô thị về phía sông, hình thành dải công viên và khu vực công cộng dọc bờ tây sông Sài Gòn. Dành mặt đất đường Tôn Đức Thắng (từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh) làm phố đi bộ và xe điện, chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm bên dưới và kết hợp với bãi xe ngầm. Nối dài một số trục đường, đặc biệt là trục đường Lê Lợi từ Nhà hát Thành phố qua khu Ba Son.

Được biết, nội dung đồ án nói trên sẽ được TP.HCM báo cáo, xin ý kiến Bộ Xây dựng trong thời gian tới.

Theo Thanh Niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.