25/08/2012 11:24 PM
Đó là một trong nhiều thông tin được đưa ra tại buổi giám sát của thường trực HĐND TP.HCM về việc thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, giải quyết việc làm... khi Nhà nước thu hồi đất ở huyện Nhà Bè và quận 7, ngày 23.8.

Đợt giám sát này sẽ được tiến hành tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Người dân nhường đất cho dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước vẫn phải sống tạm cư trong những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó thì tại dự án tái định cư chỉ là một tấm bảng và một khu đất trống.

Kiện chính quyền ra toà

UBND huyện Nhà Bè cho hay, trên địa bàn huyện có 70 dự án đã và đang triển khai, tuy nhiên hiện chưa có dự án nào hoàn thành. Tổng số hộ dân bị giải toả phục vụ các dự án là 2.691 hộ với diện tích đất thu hồi là 6.685ha; số hộ dân có nhu cầu được tái định cư 641 hộ. Trong 70 dự án trên, có đến 31 dự án “treo”, chủ yếu do vướng giải toả, đền bù…

Thực tế cho thấy, tại một số dự án trên địa bàn huyện Nhà Bè, dù người dân đã giao đất sáu năm nhưng vẫn chưa được tái định cư. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện Nhà Bè, dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đã triển khai từ năm 2006, song đến nay vẫn chưa đền bù giải toả xong. Chính vì vậy, hiện còn 25 hộ dân phải tạm cư, chờ nhận nền tái định cư. Theo ông Nguyễn Văn Trường, phó chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, nguyên nhân do chủ đầu tư (Cảng Sài Gòn) và người dân chưa thống nhất được mức bù chênh lệch giữa đơn giá bồi thường và đơn giá mua nền tái định cư. Chẳng hạn, giá bồi thường đưa ra ban đầu là 5,2 triệu đồng/m2, nhưng giá bán nền tái định cư thành phố duyệt năm 2011 lại ở mức 11 triệu đồng/m2. “Vậy tiền chênh lệch này ai chịu, dân hay Nhà nước? Chắc chắn người dân không chịu bù tiền vào, vì cho rằng bất hợp lý!”, ông Trường cho biết.

Ông Trường cũng cho hay, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá đền bù, giải toả và giá bán tái định cư quá cao nên người dân không chấp nhận. “Mặt khác, thời điểm thu hồi và thời điểm giao nền tái định cư khá xa nhau nên có sự chênh lệch lớn, gây bức xúc đối với người dân”, ông Trường nói. Vẫn theo ông Trường, đơn giá bồi thường cũng không thống nhất, dẫn tới so bì, không đồng thuận với đơn giá của Nhà nước đưa ra. “Đã có trường hợp người dân có đất nằm trong dự án đường Nguyễn Hữu Thọ kiện UBND huyện ra toà hành chính, vì thành phố hứa sẽ bố trí dân vào căn hộ chung cư từ năm 2008 nhưng đến nay không thực hiện”, ông Trường phản ánh.

Giám sát về bồi thường, tái định cư

Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Trương Thị Ánh cho hay, HĐND thành phố đã quyết định thành lập hai đoàn giám sát để đánh giá việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... khi Nhà nước thu hồi đất tại các quận 7, 9, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Nhà Bè... Đợt giám sát này diễn ra từ ngày 23 – 31.8, nhằm nắm bắt thêm tình hình thực tế của việc thực hiện các quy hoạch, dự án được giao đất; ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và những kiến nghị để việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... đạt hiệu quả hơn.

Để xảy ra những bất cập này, theo UBND huyện Nhà Bè, do huyện chưa có quỹ đất tái định cư. Bởi thế mới có chuyện giải toả, đền bù trước rồi nhiều năm sau mới tái định cư cho cho dân. Để giải quyết tình trạng này, UBND huyện Nhà Bè kiến nghị thành phố cần rót kinh phí để địa phương có kinh phí tạo quỹ đất tái định cư. Riêng đối với những dự án nợ nền tái định cư, chưa có căn hộ chung cư để bố trí, thì nếu đơn giá tái định cư cao hơn đơn giá bồi thường, chủ đầu tư dự án phải bù phần chênh lệch này, xem đây như là mức hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân.

Chủ đầu tư “né” quỹ

Không vướng mắc nhiều về công tác đền bù, tái định cư như huyện Nhà Bè nhưng UBND quận 7 lại gặp khó khăn khi yêu cầu các chủ đầu tư đóng góp cho quỹ 156 để chăm lo người dân sau giải toả (từ 3 – 5% tổng chi phí bồi thường theo quy định của thành phố). “Hầu như các chủ đầu tư các dự án không sử dụng vốn ngân sách không đồng ý đóng góp vào quỹ này”, ông Nguyễn Hữu Hưng, phó chủ tịch UBND quận 7, cho biết.

Lý do, theo ông Hưng, các chủ đầu tư cho rằng họ phải tự thoả thuận giá bồi thường với người dân giống như mua bán trên thị trường. Ngoài kinh phí bồi thường, họ đã có thêm các chính sách hỗ trợ theo quy định của thành phố.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Mai, tổ trưởng thuộc hội đồng quản lý quỹ 156 cho rằng, quỹ ra đời vì mục đích nhân đạo, chăm lo đời sống người dân sau giải toả, do đó việc chủ đầu tư né đóng góp là không thể chấp nhận. “Trong trường hợp chủ đầu tư có yêu cầu khác về mức đóng góp thì hội đồng quản lý quỹ, UBND quận cùng chủ đầu tư có thể bàn bạc để quyết định cụ thể tỷ lệ đóng góp nhiêu, nhưng phải được UBND thành phố thông qua”, bà Mai đề nghị.

Theo Đoàn Quý (SGTT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.