Tình trạng thiếu thông tin về các công trình ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sụt, lún mặt đường, đồng thời gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do những bất cập trong công tác tổ chức tổ chức quản lý hệ thống công trình ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo “Quản lý công trình ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Thực trạng và giải pháp” do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 31/8, nhiều chuyên gia cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần hình thành trung tâm thông tin quản lý hạ tầng đô thị ngầm.


“Hố tử thần” - hậu quả nhãn tiền


Theo kết quả điều tra của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, từ tháng 7/2010 đến nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 139 vụ sụt lún nền mặt đường tại hầu hết các quận huyện từ nội thành ra tới ngoại thành.


Trong đó, xảy ra sụt lún nhiều nhất là tại trung tâm thành phố gồm quận 1 với 37 vụ, quận 3 với 17 vụ và quận 10, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận xảy ra từ 9-10 vụ sụt lún.


Theo ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường Cảng Thành phố Hồ Chí Minh, trong số 139 vụ sụt lún mà đoàn chuyên gia điều tra, chỉ có 10 vụ sụt lún (chiếm 7%) có nguyên nhân là do địa chất công trình và nước ngầm, còn 93% vụ sụt lún còn lại là do quản lý kém, thi công ẩu gây ra.


Cụ thể, cống thoát nước cũ bị sụp, bể, hở mối nối (48 vụ, chiếm 35%), cống cấp nước bị xì, bể dẫn tới hở mối nối (35 vụ, chiếm 25%), công trình hạ tầng kỹ thuật khác bị hư, bể (21 vụ, chiếm 15%).


Tác nhân gây ra những sự cố này là do các nhà thầu thi công không đúng quy trình, quy định (làm vỡ mỗi nối, làm hư cáp ngầm bưu điện, điện lực) đã trực tiếp làm hư hỏng công trình (25 vụ, chiếm 18%).


Ông Trường khẳng định, nguyên nhân gây ra sụt lún là do hệ thống thoát nước, cấp nước và được xây dựng qua nhiều thời kỳ đã xuống cấp mà chưa được thay thế, xử lý kịp thời và khi có tác động của công trình thi công cẩu thả, không tuân thủ quy trình thi công, giám sát nghiệm thu không đạt yêu cầu. Một số công trình ngầm khác không còn khai thác sử dụng, nhưng đơn vị quản lý khi hủy bỏ không xử lý kỹ thuật cũng gây sụt lún mặt đường.


Một số nguyên nhân khác là do nền đất yếu, tải trọng nhiều loại phương tiện lưu thông tăng nhiều lần so với thiết kế, mưa lớn và triều cường… cũng là tác nhân gây hư hỏng nền mặt đường.


Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, đại đa số các hố sụp xuất hiện tại những vị trí trước đó đã thi công hệ thống thoát nước các tuyến đường, các đơn vị thi công không phát hiện hệ thống công trình ngầm bên dưới gây vỡ


Cần có đầu mối quản lý công trình ngầm


Ông Nguyễn Văn Hiệp cho rằng quản lý công trình ngầm trên địa bàn thành phố còn có sự cát cứ thông tin giữa các ngành, trong đó có tình trạng mạnh ai người nấy quản từ điện lực, viễn thông, cấp nước, thoát nước, chống ngập… chính điều này đã tạo sự rời rạc trong quy hoạch không gian ngầm.


Các dự án khi triển khai, chủ đầu tư không hề biết dưới đường có cái gì, đào sẽ đụng phải gì. Còn các đơn vị thi công, tư vấn giám sát thầu như cũng mù mờ về thông tin hạ tầng kỹ thuật ngầm bên dưới nên việc thi công cực kì khó khăn.


Ở góc độ chủ đầu tư xây dựng, ông Vương Hoàng Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư Xây dựng công trình giao thông đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết khi chuẩn bị thực hiện một công trình có sử dụng không gian ngầm của thành phố, các quy trình, quy định thống nhất cho công tác từ lúc lập dự án cho đến khi hoàn tất đưa vào sử dụng chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu.


Bên cạnh đó khi chuẩn bị thiết kế một công trình trong không gian ngầm của thành phố, đơn vị thiết kế khó có đầy đủ thông tin về các công trình để tránh xung đột trong quá trình thi công.


Một số chuyên gia trong lĩnh vực cầu đường ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc quản lý công trình ngầm. Có như vậy mới đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong quá trình xây dựng, đồng thời có được các biện pháp ngăn chặn tình trạng sụt lún mặt đường trên địa bàn thành phố.


Theo ông Vương Hoàng Thanh, Thành phố Hồ Chí Minh cần thành lập một cơ quan đặc biệt quản lý không gian ngầm toàn thành phố có nhiệm vụ lưu trữ thông tin về không gian ngầm, đề xuất định hướng quy hoạch phát triển sử dụng không gian ngầm, cấp phép thi công các công trình ngầm, kiểm tra việc tái lập và theo dõi chất lượng các phui đào đã tái lập, đồng thời trở thành đầu mối thông tin cho các đơn vị quản lý công trình ngầm.


Để có thể quản lý tốt công trình ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiệp, nhấn mạnh: Ngoài việc thành lập một cơ quan quản lý chung, cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý công trình ngầm để cung cấp thông tin chính xác cho các đơn vị quản lý trong việc bảo trì, thay thế hệ thống công trình ngầm./.
Theo Hoàng Anh Tuấn (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland