UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 64/2011 (ngày 15.10) về việc nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) của hộ gia đình, cá nhân cho phần diện tích vượt hạn mức đất ở theo hướng dẫn tại Thông tư 93 của Bộ Tài chính.

TP.HCM ban hành quy định về tiền sử dụng đất vượt hạn mức

Việc thuê thẩm định giá phần đất ở ngoài hạn mức của hàng ngàn hộ dân là việc làm hết sức phức tạp - ảnh: D.Đ.M


Theo đó, diện tích đất ở vượt hạn mức được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền SDĐ không quá 50% quy định hạn mức giao đất ở mới trên địa bàn quận, huyện.


Đối với phần diện tích vượt hạn mức lớn hơn 50% hạn mức, giao UBND quận, huyện thuê tổ chức thẩm định giá sát với giá thực tế thị trường. Sau đó, UBND quận, huyện tổ chức nghiệm thu chứng thư và có văn bản báo cáo Sở Tài chính thẩm định lại trình UBND TP xem xét, quyết định.


Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu chuyển mục đích SDĐ sang đất ở thì phần diện tích vượt hạn mức phải nộp tiền SDĐ sát với giá thực tế trong điều kiện bình thường.


Chi phí thuê tổ chức thẩm định giá sẽ được ngân sách nhà nước chi trả bằng phương thức khấu trừ vào số tiền SDĐ ở phải nộp của hộ gia đình, cá nhân.


Cũng theo quyết định này, hệ số điều chỉnh giá đất tính thu tiền SDĐ đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP là hai lần giá đất ở do UBND TP quy định và công bố hằng năm.


Cách tính cụ thể: Đối với vị trí mặt tiền đường, tiền SDĐ cho phần vượt hạn mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân sẽ bằng giá đất được quy định tại bảng giá đất do UBND TP ban hành và công bố hằng năm nhân (x) hai lần.


Ví dụ: ông C có 200m2 đất mặt tiền đường Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình, được chuyển mục đích SDĐ ở, thuộc trường hợp phải nộp 100% tiền SDĐ. Căn cứ Quyết định 64, ông C có 40m2 vượt hạn mức nên tiền SDĐ của ông C phải nộp gồm hai phần. Phần trong hạn mức là 160 x 8.800.000 đồng (đơn giá trong bảng giá đất năm 2011 do TP ban hành cho đường Nguyễn Hồng Đào) = 1 tỉ 408 triệu đồng. Phần ngoài hạn mức là 40 x 8.800.000 đồng x 2 (hệ số điều chỉnh) = 704 triệu đồng. Tổng cộng tiền SDĐ của ông C phải nộp cho 200m2 là 2 tỉ 112 triệu đồng.


Đối với vị trí không mặt tiền, căn cứ vào cấp hẻm, loại hẻm, giá đất để xác định giá đất ở vị trí không mặt tiền rồi nhân (x) hai lần. Những trường hợp chưa có quy định, giao liên sở Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng và Cục Thuế hướng dẫn thực hiện theo quy định.


Ví dụ, cũng ở trường hợp ông C, nếu nhà thuộc hẻm đường Nguyễn Hồng Đào, Q.Tân Bình, được xác định bằng 50% đơn giá đường này (tức bằng 4.400.000 đồng). Tiền SDĐ của diện tích đất trong hạn mức: 160m2 x 4.400.000 đồng = 704 triệu đồng. Tiền SDĐ của phần ngoài hạn mức: 40m2 x 4.400.000 đồng x 2 (hệ số điều chỉnh) = 352 triệu đồng. Tổng cộng ông C phải nộp 1 tỉ 56 triệu đồng.


Trước đó Thanh Niên đã có nhiều bài viết phản ánh việc Thông tư 93 của Bộ Tài chính chỉ yêu cầu thẩm định giá đối với các trường hợp đất làm dự án của các tổ chức kinh tế (tại TP.HCM, chỉ cần thẩm định giá đối với lô đất có giá trị trên 15 tỉ đồng). Quy định của TP.HCM đã làm phức tạp thêm tình hình khi yêu cầu thẩm định giá đối với hàng ngàn trường hợp người dân có đất ở vượt hạn mức. Chưa kể việc thuê thẩm định giá phần đất ở ngoài hạn mức của hàng ngàn hộ dân là một việc làm hết sức tốn kém và phức tạp.

Theo Đ.Quân (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.