Nửa đầu năm 2011, TP. Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là vốn đầu tư hạ tầng. Đáng lưu ý, tình trạng lãng phí mặt bằng, nhà xưởng chậm thu hồi kéo dài suốt nhiều năm nhưng cũng chưa tìm được hướng giải quyết dứt điểm.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Ban chỉ đạo 09), hiện thành phố đã duyệt phương án 1.180 địa chỉ nhà đất nhưng hiện mới chỉ thực hiện thu hồi được 107 địa chỉ. Thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đang là vấn đề lớn đối với TP. Hồ Chí Minh, dù lãnh đạo thành phố chỉ đạo quyết liệt thu hồi, đấu giá các địa chỉ nhà đất. Trong đó, giải pháp chính mà thành phố hiện đang vận hành là tính toán các tiêu chí cụ thể để thu phí hạ tầng từ các dự án phát triển nhà của doanh nghiệp mà một số quận đang kiến nghị. Thứ hai là thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.


Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2011, thành phố đã cấp phép cho hơn 17.400 dự án xây dựng, trong đó chủ yếu là giấy phép xây dựng nhà ở với tổng diện tích khoảng 3 triệu m2 (riêng Sở cấp 100 giấy phép). Trong số các dự án cấp mới, dù diện tích sàn và giấy phép xây dựng các công trình quy mô lớn do Sở cấp giảm nhưng nhóm dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ lại tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước.


Đối với các dự án nhà ở xã hội, hiện có 17 dự án đã được UBND TP thuận chủ trương và chuẩn bị đầu tư. Riêng năm 2011, dự kiến hoàn thành 4 dự án, với khoảng 800 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, khó khăn chung đối với loại hình xây dựng nhà ở này hiện vẫn là nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Ngoài ra, doanh nghiệp "ngán” vì khả năng thu hồi vốn không cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài (có thể lên đến 40 năm). Trong khi đó, theo kế hoạch, đến năm 2015, thành phố phải hoàn thành xây dựng gần 4.700 căn nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân trên địa bàn. Với những bất cập còn chưa thể khắc phục hiện nay thì kế hoạch này rất khó có thể hoàn thành.


Trong khi gặp khó khăn đầu tư vào cơ sở hạ tầng do thiếu vốn, TP. Hồ Chí Minh vẫn loay hoay với các dự án vốn chỉ mang tính "mỹ quan” nhưng lại tốn kém nguồn ngân sách đầu tư rất lớn. Cụ thể nhất là mới đây UBND TP chấp thuận đề xuất của Sở GTVT thành phố về xây cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn kết nối quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TP. Hồ Chí Minh, dự án này chỉ nên thực hiện khi thành phố hoàn thành khu chỉnh trang bờ Tây và khu đô thị mới Thủ Thiêm.


Trước mắt, để khắc phục khó khăn và tăng thêm các nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, TP. Hồ Chí Minh đang tận dụng các chính sách để tăng cường công tác kiểm tra, rà soát hàng ngàn địa chỉ nhà đất chậm thu hồi; song song đó là các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư vào hạ tầng nhà ở xã hội trong 5 năm tiếp theo.
Theo Lê Anh (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland