Khu chung cư Miếu Nổi, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Thanh Thủy |
Giá này gồm chi phí đầu tư xây dựng không tính tiền sử dụng đất, lãi vay, lợi nhuận định mức của toàn bộ dự án.
Theo điều kiện này thì với căn hộ thương mại có diện tích hơn 70m2 sẽ được tính như sau: phần diện tích từ 70m2 trở xuống giá không quá 12 triệu động/m2, phần diện tích còn lại ngoài giá 12 triệu đồng/m2 sẽ tính thêm tiền sử dụng đất.
Chủ đầu tư dự án sẽ bán nhà trực tiếp cho các đối tượng được mua nhà xã hội, thuê mua nhà ở đã được xét duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không muốn chuyển thành nhà ở xã hội thì có thể được xem xét chia nhỏ diện tích căn hộ. Thành phố chỉ xem xét chuyển thành nhà ở xã hội với những dự án chưa khởi công.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng vừa ký kết với UBND TP Hồ Chí Minh chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Từ năm 2012 - 2015, TP Hồ Chí Minh cần 2,7 triệu m2 cho xây dựng nhà ở. Có 20.000 người cần nhu cầu nhà ở xã hội chủ yếu là học sinh-sinh viên, người có thu nhập thấp và công nhân. TP đặt mục tiêu xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2012 - 2015 là 2,7 triệu m2 (trung bình mỗi năm xây dựng 675.000 m2 sàn nhà ở). Trong đó 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tương ứng 17.500 căn hộ cho người thu nhập thấp mua, thuê - mua; xây mới 800.000m2 nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu của 93.000 người lao động.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh, khi triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP về hỗ trợ vốn cho đối tượng thu nhập trung bình mua nhà ở dưới 70m2 với lãi suất ngân hàng khoảng 6% - 8%/năm, thời gian cho vay kéo dài 15 đến 20 năm, thì đa số công nhân viên chức, người lao động có việc làm ổn định có thể vay để mua nhà.
Nếu tính cụ thể, người mua nhà vay ngân hàng 600 triệu đồng với lãi suất 6%/năm thì mỗi tháng người vay sẽ trả khoảng 4 - 5 triệu đồng. Mức này cũng phù hợp với thu nhập hiện có của những đối tượng này.