Sẽ chấm dứt tình trạng tạo nhu cầu ảo về nhà tái định cư
Theo tờ trình của liên ngành về giá các loại đất trên địa bàn TP Hà Nội năm 2013, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại nội thành được điều chỉnh tăng nhẹ. Cụ thể, giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại các quận tối đa là 47.810.000 đồng/m2, tối thiểu là 2.040.000 đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại thị xã Sơn Tây và thị trấn các huyện có giá tối đa là 16.921.000 đồng/m2, giữ nguyên mức giá tối thiểu là 525.000 đồng/m2. Tại nông thôn, khu vực giáp ranh với các quận có mức tối đa là 19.124.000 đồng/m2, giữ nguyên mức tối thiểu 1.221.000 đồng/m2. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại khu dân cư nông thôn có mức giá mới, tối đa là 1.620.000 đồng/m2 và tối thiểu là 245.000 đồng/m2.
Cũng theo tờ trình, giá đất năm 2013 cũng thực hiện điều chỉnh, bổ sung cục bộ tại một số quận, huyện do hình thành các đơn vị hành chính, các tuyến đường, khu đô thị mới. Sau khi điều chỉnh, giá đất ở thấp nhất tại các quận là 3.654.000 đồng/m2, cao nhất vẫn giữ nguyên mức 81 triệu đồng/m2. Giá đất ở tối thiểu tại khu dân cư nông thôn điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng lên 350.000 đồng/m2. Giá đất nông nghiệp được giữ nguyên như năm 2011. Giải thích cho đề xuất tăng giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, TP khẳng định, vẫn nằm trong khung giá đất của Chính phủ và sẽ không ảnh hưởng đến chi phí thuê mặt bằng của các đơn vị đang hoạt động, bởi thực tế, từ lâu, TP đã áp dụng hệ số K (từ 1,3-1,8 lần so với bảng giá đất) trong việc xác định chi phí thuê mặt bằng của các đơn vị sản xuất kinh doanh. Với tình hình sản xuất kinh doanh được dự báo là rất khó khăn trong năm tới, giá thuê đất không tăng sẽ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tiết kiệm được nguồn lực để duy trì sản xuất, kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Thuê tư vấn định giá đất
Cũng liên quan tới lĩnh vực đất đai, tại dự thảo sửa đổi, bổ sung cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do liên ngành TP đề xuất, nhiều quy định mới, có lợi cho người dân đã được nêu ra. Một trong những nội dung được đặc biệt quan tâm là quy định “đảm bảo việc tính giá đất bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư sát với giá thị trường”. Cụ thể, chủ đầu tư các dự án sẽ phải thuê đơn vị tư vấn độc lập nhằm xác định giá đất tại nơi sẽ tiến hành GPMB, đảm bảo sát với giá thị trường. Tiếp đó, UBND cấp quận, huyện, thị xã và Sở Tài chính có nhiệm vụ thẩm định giá do đơn vị tư vấn xây dựng. Cùng với đó, Sở Tài chính và Sở Xây dựng có trách nhiệm xác định giá đất, giá nhà tái định cư, dựa trên thiết kế kỹ thuật và đơn giá xây dựng công trình, đảm bảo giá đất, nhà tái định cư sát với giá thị trường.
Nếu thực hiện nghiêm túc, quy định này sẽ giúp người bị thu hồi đất bớt thiệt thòi. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Đinh Xuân Thảo cho rằng, chính quyền ra quyết định bàn giao đất, thu hồi đất lại có cả quyền định giá đất là chưa phù hợp. Ông này phân tích: “Nếu một người vừa có quyền ban hành quyết định thu hồi đất lại vừa có quyền định giá đất như vậy thì khó tránh khỏi thiếu khách quan. Để đánh giá khách quan thì nên có một hội đồng chuyên môn làm công tác định giá đất. Hội đồng này có nhiều thành phần, họ sẽ dựa trên công thức, quy tắc để xác định giá, để đưa ra được một giá chuẩn”.
Liên quan tới bố trí tái định cư, liên ngành TP đề xuất, người bị thu hồi đất có thể lựa chọn mua nhà tại quỹ nhà, quỹ đất bố trí tái định cư cho dự án đó, hoặc mua nhà ở chung cư cao tầng tại các quỹ nhà 30%, 50% hoặc tại quỹ nhà thương mại của các dự án phát triển nhà ở theo danh sách giới thiệu của TP. Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, cơ chế mở này sẽ giúp khắc phục tình trạng mua đi bán lại nhà tái định cư và nâng cao chất lượng quỹ nhà của TP. Đặc biệt, nó sẽ góp phần điều tiết, giảm bớt nhu cầu ảo về nhà tái định cư. Đây là vấn đề khiến TP “đau đầu” nhiều năm nay. Quỹ nhà tái định cư luôn trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu! Nơi cần nhà ngay thì không có để dùng trong khi những dự án chậm tiến độ lại “xí phần” hàng trăm căn hộ rồi bỏ không.