Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện tại TP đã cho phép khởi
công 11 dự án nhà ở cho người TNT với tổng diện tích là 21 ha, 11.714
căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 41.645 người. Tuy nhiên, đến thời điểm này số
căn hộ ưu tiên cho người TNT trở nên khó tìm được chủ nhân thực sự bởi
giá loại nhà này quá cao so túi tiền của người TNT. Phó Giám đốc Sở Xây
dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận: Giá nhà TNT, đặc biệt ở Hà Nội
có giá cao hơn các địa phương khác. Để có thể sở hữu một căn hộ loại này
phải có khoản tiền trên 700 triệu đồng. Đây là mức giá quá cao đối với
người TNT.
Lý do khiến nhà TNT luôn có giá cao ngất ngưởng là
bởi, tất cả những dự án nhà ở TNT hầu hết đều có diện tích căn hộ ở mức
(60-70m2), ngoài ra thiết kế, công năng, tiện nghi của từng dự án như,
tầng hầm, hành lang, khu vực công cộng đều đủ cả... Thực tế ai cũng ý
thức rằng, cần giảm giá nhà bằng mọi cách để người TNT tiếp cận được
loại nhà này. Tuy nhiên giảm giá nhà TNT không đơn giản.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Thị Hà Ninh cho hay, nhà TNT bị "chê” là bởi vấn đề giá. Tuy nhiên, về bản chất, nhà dành cho người TNT luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn trái ngược nhau. Một mặt chúng ta muốn phát triển theo đúng quy luật của thị trường nhưng mặt khác lại phải đảm bảo an sinh xã hội. Hay, vừa muốn "cởi trói” cho doanh nghiệp, lại vừa muốn hỗ trợ người TNT thì sẽ rất khó khăn cho việc triển khai nhà TNT. Nhìn ở phương diện quản lý nhà nước, chỉ nên tính giá theo quy định của Nhà nước ban hành, không nên đi quá sâu vào tiểu tiết dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch. Tuy nhiên, bà Ninh lại cho rằng, với mức giá 9 đến trên 12 triệu đồng/m2 nhà chưa hẳn là lý do khiến người TNT không mặn mà với loại nhà này mà mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ: Liệu giá tạm tính này đã minh bạch hay chưa?
Giảm giá nhà TNT - giải pháp nào?
Sở Xây dựng kiến nghị, công trình nhà TNT sẽ không cao quá 15 tầng, các diện tích tiện ích của công trình chỉ ở mức độ vừa phải (căn hộ từ 35-42m2 chiếm khoảng 20%; loại căn hộ từ 45-60m2 chiếm 60%; loại căn hộ diện tích sàn từ 60-70m2 chiếm 20%). Ngoài ra để tiết kiệm chi phí, sẽ không thiết kế hầm ở khu nhà này bởi tầng hầm là tầng đắt tiền nhất. Sở Xây dựng cũng đề nghị nên mở rộng đối tượng được mua nhà TNT, bởi nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi người TNT có hộ khẩu Hà Nội chưa chắc đã xét hết đối tượng có nhu cầu thật về nhà ở.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển nhà, Bộ Xây dựng Nguyễn Trọng Ninh cũng cho rằng, giá nhà cao là do quy mô căn hộ. Thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng căn hộ từ 40-50m2 dành cho người TNT. Theo ông Ninh, dù chúng ta sắp trở thành nước công nghiệp hiện đại nhưng người TNT phải chấp nhận ở những căn nhà ít tiện ích hơn, phù hợp với túi tiền của họ trong thời điểm hiện tại. Ông Ninh đồng tình với việc mở rộng đối tượng được mua nhà TNT, chẳng hạn cán bộ công chức, người không có hộ khẩu nhưng đang làm việc tại Hà Nội cũng được mua nhà.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng: không xây tầng hầm để tiết kiệm chi phí là "sáng kiến thụt lùi”. "Nếu không xây tầng hầm, xe của người TNT sẽ để ở đâu?” Cần tính tới việc tăng thêm tầng, dành 3 tầng dưới cùng cho thuê hoặc kinh doanh để bù chi phí đó mới là giải pháp tối ưu nhất. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu xác định tổng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người TNT của toàn TP. Xác định quy hoạch vị trí cụ thể trên cơ sở nhu cầu để triển khai dự án có tính tổng thể hơn. Theo ông Khôi, phải xây dựng một bức tranh tổng thể về cung-cầu nhà TNT chứ không thể manh mún dẫn tới nhiều bất cập nẩy sinh trong quá trình thực hiện. Về vấn đề giá, ông Khôi khẳng định, TP duyệt trên cơ sở thẩm định giá tại thời điểm xây dựng; tất cả loại chi phí liên quan tới giá thành xây dựng sẽ được công khai, minh bạch, cố gắng cắt giảm mọi chi phí để nhà TNT đến tận tay người TNT.