Hàng ngàn hồ sơ đóng tiền sử dụng đất của người dân TPHCM đang tồn
đọng do cơ quan thuế chưa nhận được hướng dẫn thu tiền sử dụng đất vượt
hạn mức theo giá đất nào. Thông tư 93/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành
ngày 29-6-2011 đã tạo cơ sở để giải quyết các tồn đọng này. Vấn đề còn
lại là TPHCM sớm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất.
Hộ gia đình, cá nhân: Tính theo hệ số
Tiền sử dụng đất ở vượt hạn mức sẽ tính theo hệ số so với khung giá đất do UBND tỉnh, TP ban hành. Ảnh: HỒNG THÚY
Tổ chức kinh tế: Phải thẩm định giá
Theo Sở Tài chính TPHCM, giá đất do UBND TPHCM ban hành chỉ bằng 22% -
28,6% giá giao dịch thực tế trên thị trường. Nay theo Thông tư 93, việc
xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất đối với các tổ chức kinh
tế sẽ được thực hiện bằng cách: Sở Tài chính thuê tổ chức thẩm định xác
định giá đất và trên cơ sở giá thẩm định đó, Sở Tài chính phối hợp với
các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND quyết định giá đất tính
thu tiền sử dụng đất cho từng trường hợp cụ thể.
Theo giới chuyên môn, việc thẩm định khá mất thời gian (vì mỗi hồ sơ
thẩm định phải mất vài tháng, kết quả thẩm định chỉ có giá trị trong 180
ngày), tốn kém chi phí. Thông tư có quy định trường hợp trên địa bàn
không có điều kiện để thuê tổ chức thẩm định giá hoặc giá trị lô đất nhỏ
(tính theo bảng giá đất do UBND ban hành) dưới 15 tỉ đồng (với các TP
trực thuộc Trung ương) thì Sở Tài chính báo cáo UBND cho phép phối hợp
với các sở, ngành liên quan xác định, trình UBND quyết định nhưng thực
tế trên địa bàn TPHCM, hầu hết các dự án bất động sản đều có giá trị
trên 15 tỉ đồng nên chủ yếu phải thẩm định giá và quyền quyết định từng
trường hợp thuộc về các đơn vị thẩm định giá.
Mặt khác, doanh nghiệp (DN) cũng sẽ lâm vào thế khó vì phải bỏ tiền mua đất từ người dân, sau đó phải đóng 100% tiền sử dụng đất sát giá thị trường để chuyển mục đích sử dụng thì chẳng khác nào DN phải mua đất 2 lần, đẩy chi phí đầu vào tăng vọt, DN khó triển khai dự án.
Rất khó kiểm soát Theo các quy định của Thông tư 93, việc xác định giá đất các dự án bất động sản của các tổ chức kinh tế được thực hiện theo trình tự: công ty giám định giá đất theo giá thị trường, sau đó thông báo kết quả giám định với Sở Tài chính. Sở Tài chính sẽ họp với các sở, ngành liên quan xem xét, thẩm định mức giá do công ty giám định đưa ra rồi trình UBND ký. Dù quy trình rườm rà nhưng rất khó kiểm soát mức giá được quyết định đã “sát thị trường” chưa vì gần như quyền quyết định từng trường hợp, từng hồ sơ dự án thuộc về các đơn vị thẩm định giá. Từ đó rất dễ xảy ra tình trạng cùng một mảnh đất nhưng mỗi đơn vị thẩm định kết luận một mức giá khác nhau hoặc 2 mảnh đất kế cận nhau có giá chênh lệch quá cao. Song song đó, không tránh khỏi việc DN, đơn vị thẩm định “bắt tay” nhau và “thương lượng” với cơ quan chức năng để có được mức giá có lợi nhất cho DN… |