Sáng ngày 5/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025. Ảnh: Quốc hội
Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 thế giới) và GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.
Để đạt mục tiêu, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Chính phủ yêu cầu theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Đồng thời ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính – Ngân sách Nhà nước; mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu Ngân sách Nhà nước trên 15%.
Điều chỉnh bội chi Ngân sách Nhà nước lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp; đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược.
Khẩn trương triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi, dài hạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ và nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng trên 16%.
Thủ tướng lưu ý giải pháp chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam; hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; khẩn trương ban hành nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; tăng cường kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; khẩn trương xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ; xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế biên giới, khu thương mại tự do, khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các đặc khu kinh tế mới...
Trong năm 2025, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.
Việc cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị được triển khai với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.
-
Thủ tướng thông tin về phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ
Trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán.
-
Sáng nay Quốc hội khai mạc kỳ họp “lịch sử của lịch sử” bàn sửa đổi Hiến pháp và sáp nhập tỉnh
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 5/5. Tại kỳ họp, Quốc hội xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp cũng như nghị quyết về sáp nhập tỉnh.
-
Quốc hội quyết tâm cải cách thể chế, thúc đẩy kinh tế tư nhân
Tại buổi họp báo giới thiệu Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội đã khẳng định vai trò then chốt của cải cách thể chế trong thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.







