Cho ý kiến vào vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngay trong Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm định Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
“Nhiều ý kiến tán thành quy định về Nhà nước thu hồi đất, nhưng cũng không có ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất (QSDĐ) là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ. Việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai”, ông Giàu cho biết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (ảnh: Đức Thanh) |
Mặc dù quan điểm của các thành viên ngay trong Ủy ban Kinh tế cũng rất khác nhau về vấn đề này, nhưng Thường trực Ủy ban Kinh tế vẫn đề xuất: “Không thể dùng khái niệm “trưng mua” đất thay cho khái niệm “thu hồi” đất” trong Luật Đất đai”.
Lý giải về đề xuất này, ông Giàu cho rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu.
Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất...
Theo ông Giàu, QSDĐ của tổ chức, cá nhân đúng là một loại tài sản và là hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân nên không được trưng mua khi Nhà nước cần mặt bằng để để phục vụ an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế-xã hội.
Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc và một số thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Phước cho rằng, so với các nước khác trên thế giới, QSDĐ của Việt Nam không có sự khác biệt nhiều, nhưng ở Việt Nam, đất đai vẫn là sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu thì Nhà nước có quyền định đoạt, trong đó có quyền thu hồi.
“Tôi có ô tô cho thuê, người thuê có toàn quyền sử dụng, nhưng nếu tôi có nhu cầu lấy lại tài sản, tôi có quyền thu hồi theo thỏa thuận trong hợp đồng chứ tôi không phải trưng mua. Quyền chủ sở hữu và quyền sử dụng đất đai cũng tương tự và cũng cần phải quy định tương tự”, ông Phước lấy ví dụ.
Hiện có hàng chục ngàn tổ chức, cá nhân có QSDĐ thông qua trung đấu giá QSDĐ được các cấp chính quyền địa phương tổ chức công khai, minh bạch theo giá thị trường. Trong những trường hợp này, theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật thì thu hồi hay trưng mua phải quy định rất minh bạch, cụ thể để bảo đảm quyền lợi của người có QSDĐ.
Ông Lý cho rằng, cần phải quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế-xã hội và bồi thường thỏa đáng cho người có đất bị thu hồi. Còn những dự án phát triển kinh tế, xã hội khác thì dứt khoát phải thực hiện cơ chế thỏa thuận với người dân theo giá thị trường chứ không phải là thu hồi phi đất theo giá phi thị trường.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, muốn phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì dứt khoát phải có mặt bằng mới thực hiện được, nhưng không phải dự án nào nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội cũng đều thực hiện cơ chế thu hồi đất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Đức Thanh) |
Vì thế, ngoại trừ đất đai sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng, Luật Đất đai phải quy định cụ thể loại dự án phát triển kinh tế - xã hội nào được thực hiện cơ chế thu hồi đất, loại nào phải thực hiện thu hồi theo cơ chế thị trường (trưng mua).
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần phải phân làm 3 loại đất để đưa ra 3 hình thức xử lý: thu hồi, trưng mua, thỏa thuận theo giá thị trường.
“Giá thu hồi, trưng mua, thỏa thuận thế nào cũng cần phải có nguyên tắc quy định cụ thể, nếu không thì Luật Đất đai sửa đổi khó khả thi khi Nhà nước lấy mặt bằng để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần phải quy định rõ chỉ những dự án dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Nhà nước thực hiện... thì mới thực hiện phương án thu hồi đất.
Các trường hợp khác dứt khoát phải sử dụng phương pháp trưng mua theo giá thị trường hoặc để cho tổ chức, cá nhân thỏa thuận với người có đất bị thu hồi.
“Đồng thời cũng phải có quy định về việc cưỡng chế đối với cả trường hợp trưng mua, thỏa thuận để tránh trường hợp chỉ có 10-20% số hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi không chịu trao mặt bằng khiến cả dự án phát triển kinh tế-xã hội, dự án đầu tư của doanh nghiệp bị ách tắc, làm giảm hiệu quả đầu tư, không góp phần phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm”, ông Lưu phát biểu.
Vẫn theo ông Lưu, để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, Nhà nước và người có đất bị thu hồi thì cần phải quy định cụ thể nguyên tắc cưỡng chế là chỉ tổ chức cưỡng chế khi các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện đầy đủ thủ tục, đúng quy trình thỏa thuận đền bù về giá đất.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, Luật Đất đai sửa đổi sẽ quy định theo hướng, đối với các dự án phù hợp với quy hoạch mà nhà đầu tư đã thỏa thuận được với đa số người sử dụng đất nhưng số còn lại không thỏa thuận được thì cần phân biệt.
Cụ thể, đối với trường hợp nhà đầu tư và người sử dụng đất không thống nhất về giá bồi thường thì áp dụng cơ chế tư vấn giá đất độc lập để xác định giá đất. Đối với trường hợp còn lại thì cần có sự tham gia của chính quyền địa phương để giải quyết trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân có đất, nhà đầu tư và việc thực hiện quy hoạch.
-
Cải tạo chung cư cũ: Nhà nước đóng vai trò chủ đạo
Nhà nước sẽ điều phối quyền lợi của doanh nghiệp, người dân nhưng giữ được cảnh quan, kiến trúc đô thị.
-
BĐS thời giông bão: Hao mòn và bất lực
Thị trường BĐS vẫn chưa có nhiều khởi sắc, dự án “đắp chiếu”vẫn ngổn ngang “trơ gan cùng tuế nguyệt”, dự án hoang vẫn trong cảnh “đất không nhà trống” và nhà đầu tư vẫn tiếp tục những chuỗi ngày đợi chờ trong khốn khổ.
-
Kinh nghiệm để tránh “bị lừa” khi mua nhà dự án
CafeLand - Gần đây việc tranh chấp giữa các chủ đầu tư và người mua nhà ngày càng trở nên gay gắt mà nguyên nhân chủ yếu là do người mua nhà không để ý đến những “tiểu tiết” để bảo vệ quyền lợi cho mình sau này.