11/06/2012 3:06 PM
Đền bù cho người bị thu hồi đất không thỏa đáng đang là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến phát sinh những vụ khiếu kiện kéo dài gây bức xúc trong xã hội. Trao đổi với ĐTTC, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng khi đất đai trở thành hàng hóa có giá trị đặc biệt, những người được giao quyền rất dễ “xúc động” trước món lợi đó.

PHÓNG VIÊN: - Tình trạng khiếu kiện đông người liên quan đến đất đai xảy ra nhiều và có biểu hiện liên quan vấn đề lợi ích nhóm, tham nhũng. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Nguyện vọng của dân là khi đất bị thu hồi phải đền bù thỏa đáng theo giá thị trường, dân sẵn sàng chuyển đi nơi khác ở. Trong giải tỏa đền bù, dường như chính quyền không thực hiện theo hướng người dân mong muốn nên khó thu hồi đất để làm những công trình có lợi quốc gia, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội. Có nhiều trường hợp lấy đất của dân để cấp cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này thường là những đại gia và có những đường đi nước bước khôn khéo để được cấp đất. Chính vì vậy cần có những thay đổi trong cách làm hiện nay.

-Ông LÊ NHƯ TIẾN: - Có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả tham nhũng, cố tình vi phạm. Nhưng cũng có tình trạng dân khiếu kiện do không nắm được pháp luật và xử lý sai từ địa phương. Cũng có tình trạng xử lý khiếu kiện đúng nhưng người dân vẫn chưa bằng lòng với kết quả xử lý.

Những bất cập này đã gây nên tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp và trong lĩnh vực đất đai chiếm tới 70-80% tổng số vụ khiếu kiện. Hiện nay có trên 365.000ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả... của hơn 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trên toàn quốc.

Điều này cho thấy đây là lĩnh vực vừa lãng phí nguồn lực tài nguyên đất nước, vừa là nơi phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất.

Qua nhiều đơn thư phản ánh, khiếu kiện đã chỉ rõ một số cán bộ công chức dùng tiền mua đất rồi để đấy. Mục đích chờ giá lên để bán, hoặc đó là một hình thức rửa tiền. Điều này cần thiết phải có những biện pháp ngăn chặn.

- Về vấn đề này, hình như chính quyền địa phương xử lý không rốt ráo, thấu lý đạt tình, không thuyết phục được người dân?

- Vấn đề liên quan đến đất đai thường rất phức tạp. Do vậy, khi xử lý phải nắm đúng Luật Đất đai, Luật Xử lý các vi phạm hành chính và các luật khác liên quan đến đất, tài sản. Nhiều người ở cấp chính quyền địa phương được giao nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước thường không nắm được pháp luật, hoặc có nắm được pháp luật nhưng cố tình vi phạm để đạt lợi ích cá nhân hoặc cho một nhóm lợi ích nào đó.

Có nhiều vụ thu hồi đất của dân nhưng không để làm các công trình an ninh quốc phòng, các dự án an sinh xã hội, mà nhằm cấp cho một nhóm lợi ích khác. Chắc chắn như vậy phải có phong bao, phong bì lót tay nên đã phát sinh khiếu kiện. Không loại trừ một số trường hợp chính quyền địa phương xử lý đúng, nhưng dân chưa thỏa mãn. Họ muốn phải đền bù theo giá thị trường.

Hiện nay giá đền bù thường do HĐND cấp tỉnh quy định vào cuối năm để áp dụng cho năm sau và thường thấp hơn so với thị trường, nên người dân căn cứ vào giá thị trường để yêu cầu cũng là chính đáng. Đất đai chính là mồ hôi nước mắt của người dân từ bao đời để lại. Vì thế việc xử lý đất đai phải đúng luật, thấu tình đạt lý.

Thu hồi đất người dân rồi bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí lớn. Ảnh: KIM NGÂN

- Thực tế nhiều dự án lấy danh nghĩa nhằm phát triển cộng đồng, chăm lo an sinh xã hội, nhưng thực chất là những dự án về kinh tế, kinh doanh đơn thuần thu lợi cho chủ dự án. Theo ông làm sao để khắc phục tình trạng này?

- Nội dung này chúng tôi đang kiến nghị đưa vào sửa đổi Luật Đất đai. Theo tôi, việc thu hồi đất của dân phải làm hết sức thận trọng, trừ những công trình quốc phòng an ninh và những việc cấp thiết phục vụ đời sống xã hội, còn việc thu hồi của cá nhân này rồi cấp cho cá nhân khác phải hết sức hạn chế và xem xét kỹ lưỡng.

Ngoài ra, thời gian cấp đất cho dân cũng kéo dài hơn, chứ không chỉ có 20 năm như hiện nay, để người dân yên tâm làm ăn trên mảnh đất của họ.

- Xin cảm ơn ông.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.