Thông tư 148 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực chứng khoán ban hành mới đây, cá nhân giao dịch trong một ngày có tổng giá trị từ 200 triệu đồng, tổ chức từ 500 triệu đồng trở lên thuộc diện chịu sự giám sát. Không ít người thở dài vì sự lỗi thời của thông tư này.

Nhìn vào thực tế quy mô giao dịch hiện nay trên thị trường thì quy định trên quả buồn cười. Bởi với các NĐT lớn, giao dịch hàng tỉ đồng/phiên không còn là chuyện ghê gớm. Nhiều giao dịch của NĐT cá nhân hay tổ chức cũng vượt xa ngưỡng giám sát 200 triệu đồng, 500 triệu đồng. Các CTCK cũng thừa nhận, mức giao dịch trên 200 triệu đồng/ngày là "chuyện nhỏ" trên thị trường hiện nay. Vì vậy, quy định này sẽ đưa hàng loạt NĐT bình thường vào diện giám sát và họ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý không đáng có.

Cũng vì mức giám sát quá thấp này, Bộ Tài chính "đẩy" đối tượng giám sát lên diện rộng. Đương nhiên, hiệu quả của việc giám sát cũng vì thế mà giảm đi. Đó là chưa kể, nếu quy định mức giám sát 200 triệu đồng/ngày nhưng chỉ đưa chứng khoán mà bỏ quên các lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoại tệ, bất động sản thì không công bằng cho các NĐT chứng khoán. Trong khi giao dịch trong các lĩnh vực kinh doanh vàng, bất động sản, ngoại tệ có giá trị lớn hơn nhiều.

Không chỉ lỗi thời về con số, thông tư này cũng "tiền hậu bất nhất" khi yêu cầu "CTCK định kỳ hằng tháng phải lập và lưu trữ các báo cáo giao dịch có giá trị lớn...". Bởi trước đó, từ tháng 2.2008, Bộ Tài chính đã quy định ngân hàng quản lý tiền của NĐT, CTCK chỉ quản lý việc giao dịch. Vì vậy, việc báo cáo, lưu trữ giá trị giao dịch của NĐT là việc của các ngân hàng chứ không phải CTCK.

Đến thời điểm này, vẫn có một số CTCK vi phạm quy định trên khi không tách bạch tiền gửi của NĐT sang ngân hàng. Nhưng việc yêu cầu các CTCK phải lưu trữ, báo cáo các giao dịch có giá trị lớn như nói trên của Bộ Tài chính coi như đã thừa nhận hoặc không triệt để việc thực hiện chuyển tiền gửi của NĐT qua ngân hàng.

Trước khi nói chống rửa tiền, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều thực hiện việc giảm thanh toán tiền mặt trong nền kinh tế, tăng thanh toán qua ngân hàng. Thay vì ban hành một thông tư lỗi thời, Bộ Tài chính nên nghĩ cách để học theo các nền kinh tế khác trong việc phòng, chống rửa tiền hiện nay.

Cafeland.vn - Theo Thanh niên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland