Nội dung này được nêu trong kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo thông báo kết luận của Văn phòng Chính phủ, ngày 16/12, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về việc hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sau khi nghe các bộ trưởng báo cáo, ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực phối hợp, hoàn thiện đề án hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện nghị quyết số 18 của Trung ương.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ mới sau hợp nhất.
Về một số nội dung cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ thống nhất tên gọi của Bộ sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Liên quan đến các vấn đề giao thoa, Phó Thủ tướng đề nghị 2 Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan có liên quan rà soát lại các nội dung còn giao thoa như: Thú y - chăn nuôi, thủy lợi - quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn - phòng chống thiên tai…
Trong đó bảo đảm không chồng chéo với nhiệm vụ của các bộ, cơ quan và tránh trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Bộ, lấy ý kiến thành viên Ban cán sự Đảng 2 Bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, trường hợp cần thiết, báo cáo Ban Chỉ đạo của Chính phủ xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp rà soát, hoàn thiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của bộ mới sau hợp nhất.
Trong đó cần lưu ý một số nguyên tắc: Thứ nhất, một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
Thứ hai, việc hợp nhất cần kiện toàn, giải quyết các trùng lắp về nhiệm vụ của các lĩnh vực trong bộ mới và của bộ với các bộ khác (như giao thoa quản lý lĩnh vực nông thôn, tài nguyên nước, hạ tầng giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải và các bộ khác).
Thứ ba, xác định tên tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, thể hiện toàn diện hiệu lực - hiệu quả - hiệu năng hoạt động.
Thứ tư, bên cạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chú ý việc sắp xếp nhân sự, bảo đảm tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng, bảo đảm chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
-
Thảo luận tên gọi mới khi hợp nhất Bộ TNMT, Bộ NNPTNT
Ngày 17/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì họp về phương án hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.