Hết thời phát triển nóng
Theo Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), năm 1999, Việt Nam có 629 đô thị, nhưng chỉ sau 10 năm (năm 2009) con số này đã tăng thành 754 đô thị. Bộ mặt kiến trúc đô thị được đổi mới, đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Các khu đô thị mới với hàng loạt chung cư cao tầng được quy hoạch đồng bộ đã thay thế cho những khu nhà tập thể cũ thời bao cấp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đang từng bước được hoàn thiện theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa.
TP Đà Nẵng là một trong những điểm sáng quy hoạch đô thị tại nước ta.
Nhờ đó, tỷ lệ người dân đô thị được tiếp cận hạ tầng kỹ thuật thiết yếu về cấp nước, thu gom rác thải, điện, chiếu sáng... đang ngày càng tăng. Kết quả đó đã góp phần cải thiện, nâng cao điều kiện sống, làm việc, nghỉ ngơi của người dân, hình thành các cực phát triển của nhiều vùng miền và trục hành lang kinh tế, đồng thời đóng góp một phần quan trọng trong tổng GDP của đất nước...
Tuy nhiên, tốc độ gia tăng số lượng đô thị khá “nóng” vào giai đoạn năm 1999 - 2009 đã để lại những tồn tại mang tính hệ thống. Quy trình triển khai phân loại, phân cấp và công tác nâng cấp đô thị còn rập khuôn, mang nặng tính hành chính, chưa phát huy được tính đặc thù của đô thị tại các vùng, miền. Công tác quản lý đô thị chưa được chú trọng đồng đều ở các cấp nên chưa kiểm soát được tình trạng phát triển đô thị tràn lan, tự phát. Việc cấp đất đầu tư xây dựng đô thị chưa phù hợp với tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung.
Sự phát triển quá nóng thời gian qua cũng khiến cho nhiều đô thị mọc lên song lại chưa có đầy đủ các yếu tố cơ bản của một đô thị hoàn chỉnh. Do vậy, việc phát triển kết hợp bảo vệ môi trường, hoàn thiện hạ tầng xã hội đô thị vẫn là bài toán chưa có lời giải. Nhiều dự án đô thị phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, ảnh hưởng tới diện mạo đô thị và sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Phải tuân theo quy hoạch
Xây dựng và phát triển đô thị còn nhiều khó khăn thách thức. Việc khắc phục các vấn đề bất cập không thể giải quyết chỉ bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của nguồn lực từ bên ngoài mà cần bắt đầu ngay từ khâu quy hoạch.
Theo PGS.TS. Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, mục tiêu đô thị hóa bền vững sẽ bắt đầu từ quy hoạch và quản lý theo quy hoạch. Theo đó, phải rà soát quy hoạch tổng thể các đô thị từ cách tiếp cận để đạt chuẩn bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế...), quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái... Phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật phải chú ý đảm bảo kết nối đồng bộ, hợp lý giữa chỉ tiêu nhà ở, giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý rác thải.
"Những khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu cần điều chỉnh để hạ tầng thích ứng nhằm giảm thiệt hại về kinh tế. Mỗi địa phương cần đầu tư cải tạo và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị nhằm đạt tới mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực”, TS Vinh cho biết.
Hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch diễn ra phổ biến chứng tỏ tính dự báo của quy hoạch chưa đủ cơ sở khoa học, giải pháp chưa thật sự gắn kết với khả năng và nguồn lực thực hiện... Thậm chí, có những đô thị phải điều chỉnh quy hoạch chung nhiều lần và cũng có cả những quy hoạch chung được duyệt từ lâu nhưng không có điều kiện để rà soát điều chỉnh.
Bởi vậy, giải pháp quy hoạch cũng cần chú ý đến không gian dự trữ để có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
“Hành lang pháp lý hiện nay đã quy định đầy đủ và toàn diện về công tác phát triển đô thị. Hệ thống này điều chỉnh từ quy hoạch, kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị đến tình hình thực hiện đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác và chuyển giao dự án” Ông Đỗ Viết Chiến, |