26/07/2011 12:44 AM
Sáu tháng đầu năm 2011, TP Hà Nội đã hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) 131 trong tổng số 1.000 dự án trên địa bàn với tổng diện tích đất đã thu hồi hơn 943ha.
GPMB xong 131/1.000 dự án

Đây là sự nỗ lực rất lớn của các sở, ngành, quận, huyện, tổ chức đoàn thể xã hội, đặc biệt trong điều kiện cơ chế, chính sách liên quan đến GPMB còn nhiều bất cập. Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh tại Hội nghị sơ kết công tác GPMB 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2011, tổ chức ngày 25-7.



Thiếu đồng bộ trong thu hồi đất và đền bù
Thi công xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.


Nếu chỉ nhìn vào con số mới chỉ có 131/1.000 dự án đã hoàn thành GPMB, dễ có cảm nhận đây là một tỷ lệ thấp. Từ đó sẽ dẫn đến suy diễn rằng các sở ngành, quận, huyện, thị xã và đơn vị chủ đầu tư thời gian qua chưa thực sự "vào cuộc" nhằm tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ các dự án. Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Đức Biền, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB TP, trong 1.000 dự án triển khai GPMB năm nay, có tới 834 dự án chuyển tiếp từ những năm trước, trong đó có nhiều dự án phức tạp, 166 dự án còn lại là dự án mới. Tổng số hộ dân liên quan đến GPMB lên tới 186.601 hộ và 16.733 hộ phải bố trí tái định cư (TĐC).

Với 131 dự án đã hoàn thành, TP đã thu hồi được hơn 943ha đất triển khai công trình; chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho gần 2 vạn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; bố trí TĐC cho 650 hộ. Đáng chú ý trong thời gian qua, một số dự án phức tạp, kéo dài qua nhiều thời kỳ đã được giải quyết dứt điểm như khu đô thị Mỗ Lao, Lê Trọng Tấn, An Hưng, Dương Nội và dự án mở rộng đường Nguyễn Khuyến tại quận Hà Đông; dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây; đường Vành đai 3 đoạn đầu cầu phía nam; Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn…Một số dự án dân sinh bức xúc đã được các cấp chính quyền phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện tốt GPMB như: dự án đường ven sông Tô Lịch, dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội-dự án II, dự án cải tạo môi trường các hồ nội thành…


Đánh giá về công tác này, tại Thông báo số 103/TB-TU ngày 12-7 vừa qua, Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: với cách làm dân chủ, công khai, công bằng, đúng pháp luật, các cấp, ngành chức năng đã tổ chức đối thoại, rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những mặt bất cập; từng bước đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân. Và quan trọng hơn là đã giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích của Nhà nước-nhà đầu tư-người dân.


Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách GPMB


Sáu tháng cuối năm và các giai đoạn tiếp theo, TP sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của Chính phủ và TP. Đó là dự án cầu Nhật Tân và tuyến đường dẫn 2 bên đầu cầu, quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội-Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Nội Bài-Lào Cai, nhà ga T2-Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, đường Vành đai 3 giai đoạn 2, Đại học Quốc gia, Khu công nghệ cao Hòa Lạc…


Tại hội nghị, đại diện một số quận, huyện bày tỏ sự băn khoăn về cơ chế, chính sách trong công tác GBMB dù đã liên tục được điều chỉnh, bổ sung nhưng vẫn bộc lộ những bất cập. Theo ông Trần Việt Trung, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa, khi xem xét bố trí TĐC cần dựa trên 3 tiêu chí là diện tích thu hồi đất, tổng diện tích sàn xây dựng và số nhân khẩu, hộ khẩu để bớt thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất (tiêu chí sàn xây dựng chưa được tính làm cơ sở để tính đền bù TĐC). Thực tế hiện nay, một khu đất rộng khoảng 35-40m2 nếu xây 3-4 tầng có thể giải quyết chỗ ở cho một gia đình có 7-8 người. Nhưng khi GPMB, từng ấy con người chỉ được bố trí TĐC tại căn hộ khoảng 70-80m2, rất chật chội. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ách tắc GPMB.


Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng ban Bồi thường-GPMB huyện Từ Liêm kiến nghị, nên sửa đổi quy định khi thu hồi đất, chỉ những người dân ăn ở tại nơi GPMB và không có chỗ ở khác mới được bố trí TĐC. Hiện có nhiều gia đình có nhà mặt phố chấp nhận đi thuê chỗ ở khác để cho thuê cửa hàng nhằm có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Nếu cứ chiếu theo quy định này sẽ dẫn đến khiếu kiện phức tạp. TP cũng cần chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công sau khi được bàn giao mặt bằng. Ví dụ, tại đường 32, khi chính quyền vận động dân bàn giao mặt bằng đã khẳng định tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ hoàn thành, nhưng nhà thầu làm quá chậm khiến dân mất lòng tin.


Lãnh đạo Ban Chỉ đạo GPMB TP thừa nhận, cơ chế, chính sách về thu hồi đất, đền bù, GPMB còn thiếu đồng bộ và chưa hợp lý, nên khi thực hiện còn gặp khó khăn, vướng mắc. Một số dự án tiến độ triển khai còn chậm như: dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác-đê Nguyễn Khoái và đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng Cầu, đường Văn Cao-Hồ Tây, đường 5 kéo dài…Có lúc, có nơi hệ thống chính trị chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ, chưa cụ thể hóa và phân công trách nhiệm rõ ràng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện GPMB. Cá biệt, một số cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở cơ sở còn có hành vi tiêu cực đã bị phát hiện, xử lý...


Những bất cập này cần sớm được tập trung tháo gỡ để công tác GPMB được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thường trực Thành ủy-HĐND-UBND thành phố là công tác GPMB có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, tạo tiền đề phát triển KT-XH của Hà Nội trong năm 2011 và những năm tiếp theo.

Theo Tuấn Lương (Hà Nội Mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.