07/10/2013 2:34 PM
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa muốn làm được thiết kế đô thị phải có ý đồ trước khi xây dựng. Hiện chúng ta thường triển khai dự án làm đường xong mới tính đến chuyện thiết kế đô thị.

Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học (Trường Đại học KHXH&NV TPHCM), Ủy viên Hội đồng Quy hoạch Kiến trúc TP.

-PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, TP có chủ trương thiết kế đô thị cho một số tuyến đường lớn nhưng dường như chưa đạt được ý đồ?

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa: - Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP khi mở rộng cũng đã bàn đến việc thiết kế đô thị đầu tiên, nhưng cuối cùng không thành công. Lý do chúng ta nhận thức chưa tới.

Mọi người cứ nghĩ giải tỏa là xong, mọi việc tính sau, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Muốn thiết kế “bộ mặt” của con đường theo ý đồ buộc phải có mặt bằng, có không gian đủ rộng để thực hiện. Thí dụ như vỉa hè phải đủ rộng để chúng ta bố trí chỗ nào là bồn hoa, tiểu cảnh...

Thực tế các tuyến đường mới mở như Võ Văn Kiệt, Tân Sơn Nhất- Bình Lợi-Vành đai ngoài hay trước đó là Trường Chinh, vỉa hè rất hẹp, nhiều nhà chỉ cách vỉa hè 1,2-1,5m, vì quá chật hẹp nên chúng ta muốn thay đổi, thiết kế rất khó.

Chính do không tính trước nên mặt tiền của những con đường này bị biến dạng, đó là tình trạng lồi lõm của nền nhà, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện. Hình thức của mặt tiền phụ thuộc vào công năng của từng nhà, mà công năng của từng nhà lại phụ thuộc vào tài chính của từng gia đình.

Thí dụ, ý đồ thiết kế của chúng ta từ sân bay ra bắt đầu là buôn bán thương mại với đặc trưng là hàng lưu niệm, nhưng vì lý do gì đó người dân bán quán ăn chính quyền cũng không ngăn cấm được. Do đó muốn làm được thiết kế đô thị chúng ta phải có ý đồ trước khi bắt đầu xây dựng.

Căn nhà siêu mỏng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ảnh: Cao Thăng

- Có nghĩa thiết kế đô thị phải được tiến hành song song với triển khai dự án?

- Đúng vậy. Hiện nay chúng ta thường triển khai dự án làm đường xong mới tính đến chuyện thiết kế đô thị. Nghĩa là khi bắt đầu công tác đầu tư, mỹ thuật và trang trí cho dự án hai bên đường không tính tới, coi đó không phải là việc của dự án.

Ở nước ngoài thường xây dựng dự án đa mục tiêu, tức làm đường mới, tạo cảnh quan xung quanh, tôn tạo di tích… đều phải được triển khai song song. Còn dự án của ta thường chỉ đơn mục tiêu, làm đường chỉ biết làm đường. Do vậy khi làm xong đường nếu tiếp tục giải tỏa vô bên trong sẽ phức tạp hơn nhiều và chưa chắc người dân đã đồng ý.

Vì vậy trong quá trình triển khai dự án chúng ta phải khảo sát dân cư ở đó muốn cái gì, nghề nghiệp như thế nào, điều kiện kinh tế ra sao… Từ những kết quả trên mới tính đến kiến trúc ra sao, từ đâu đến đâu làm cái gì, chỗ nào là thương mại, chỗ nào bồn hoa, chỗ nào công viên…

Nếu xong đường rồi mới tính tôi cho rằng chúng ta chỉ trang trí những thứ vặt vãnh, trong khi thiết kế đô thị hiện đại phải tính đến độ cao thấp của từng nhà, từng khu vực, khoảng lùi, màu sắc… Ví như trước khi xây nhà chúng ta phải thiết kế bố trí cái sân vườn ở đâu, hồ nước chỗ nào, chỗ nào để xích đu, bàn đá… chứ không thể làm rồi mới tính tới chuyện bố trí những thứ này vào ngôi nhà được.

- Nói như vậy thiết kế đô thị như ý đồ của TP khó thực hiện?

- Như tôi đã nói ở trên, làm được phải có những điều kiện. Thứ nhất phải có quỹ đất; thứ hai phải có những tổng công trình sư để điều phối về kiến trúc, mỹ thuật, xây dựng… cho cả một tuyến đường; thứ ba phải được người dân tán đồng. Tìm được tiếng nói chung về cảnh quan giữa người dân và chính quyền về kiến trúc, mỹ thuật rất quan trọng.

Thí dụ gần chùa là cái gì để tương đồng, không thể gần chùa là nhà hàng hay karaoke, hay chỗ nào có thể đón gió vào, tất cả những chuyện đó đều phải được tính toán kỹ chứ không phải đối phó. Như vậy ngay từ đầu phải đưa những tính toán này vào dự án.

- Xin cảm ơn ông.

Tôi nghĩ nếu tính toán ngay từ đầu để thực hiện đa mục tiêu cho dự án thì kinh phí cũng không tăng đáng kể. Thí dụ nếu tính trước chỗ đó sẽ là công viên, giật khoảng lùi thì chủ đầu tư sẽ biết để đền bù giải tỏa ngay từ đầu; nhà nào diện tích còn quá nhỏ hoặc không đảm bảo về mặt kiến trúc giải tỏa luôn. Còn bây giờ đường xong mới làm thì phải giải tỏa tiếp, hoặc phải đào, đắp…. rất phức tạp. Có những cái rất khó, thí dụ như độ cao từng nhà không đồng nhất, vỉa hè quá hẹp do chúng ta không tính trước nên hiện nay mới có tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo.

Đỗ Trà Giang (Sài Gòn Đầu tư Tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.