Thị trường bất động sản được dự báo sẽ có nhiều thay đổi lớn kể từ khi Nghị định 71 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) với những quy định chặt chẽ hơn về hình thức góp vốn ra đời. Thêm vào đó là việc siết chặt tín dụng bất động sản. Liệu sau những tác động kép liên hoàn, thị trường nhạy cảm này có “lặng sóng”?

Đuối vốn.

Thị trường BĐS vẫn đang tiếp tục bị chi phối và tác động bởi một loạt các chính sách liên quan đến chống lạm phát. Quyết định giảm tốc độ và tỷ trọng cho vay vốn tín dụng, chỉ đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo, nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã khiến cho thị trường này “đau đầu về vốn”. Một trong những thay đổi lớn nhất của thị trường bất động sản Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh trong những tháng đầu năm 2011 là các chủ đầu tư nước ngoài như Thái Lan, Singapore, Malaysia... không tiếp tục đổ vốn để phát triển thêm dự án mới. Đuối vốn đang biểu hiện rõ nhất.

Một trong những giải pháp để thu hút vốn là “mua nhà trên giấy” cũng không còn thuận lợi như xưa. Môi trường đầu tư, góp vốn cũng bị hạn chế bởi nhiều quy định ngặt nghèo: “chủ đầu tư chỉ được huy động vốn sau khi công trình đã thi công xong phần móng”.

Trong Thông tư 16, hướng dẫn thi hành Nghị định 71 cũng ghi rõ, muốn có hợp đồng góp vốn mua nhà ở hình thành trong tương lai bắt buộc phải có giấy chứng nhận của cơ quan công chứng theo mẫu quy định. Đặc biệt là chuyển nhượng giữa cá nhân với cá nhân đẩy giá nhà đất lên quá cao so với giá niêm yết ban đầu yêu cầu phải có công chứng cho đảm bảo. Những “dây trói” mới bắt buộc chủ đầu tư phải quan tâm nhiều hơn tới khách hàng, được đánh giá là chính sách tốt, loại bỏ dần tình trạng “mỡ nó rán nó”.

Bởi vậy đang tồn tại 2 luồng ý kiến. Một bên cho rằng thị trường BĐS sẽ giảm đáng kể lượng “cầu ảo”, trong khi đó một số nhà đầu tư lại lo ngại thị trường bị đẩy vào tình trạng trầm lắng, thậm chí “đóng băng”.

Bất động sản về đâu?

Theo khẳng định của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tống Văn Nga, mục tiêu cao nhất mà Bộ muốn đạt được là kiểm soát được giao dịch bất động sản, hạn chế giao dịch ngầm, tiến tới ổn định thị trường nhà đất.

Phân tích của chuyên gia nhà đất, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, thị trường nhà ở có nhu cầu rất lớn, sẽ liên tục tăng trưởng trong 10 năm tới. Lực đẩy cho thị trường này vẫn rất lớn. “Một trong những biện pháp huy động vốn có thể tính tới là luồng vốn FDI. Nếu có chính sách khuyến khích vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sao cho các nhà đầu tư tin tưởng vào thị trường sẽ giải quyết được bài toán vốn đâu cho thị trường BĐS”. Ngoài ra, thị trường BĐS còn thu hút được dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vàng và chứng khoán khi đầu tư bất động sản là một kênh đầu tư an toàn.

Cùng với xu hướng giảm đáng kể nạn đầu cơ do pháp luật quy định chặt, người mua cũng đã dễ dàng hơn khi tiếp cận được nhiều nguồn thông tin phong phú, từ đó sẽ có lựa chọn đúng, phù hợp với nguồn vốn cũng như xu thế thị trường.

Một chuyên gia bất động sản cho biết, việc huy động vốn bị qui định chặt và khống chế sẽ khiến cho chủ đầu tư và khách hàng cùng phải thay đổi mình để phù hợp với tình hình thực tế. Khách hàng và thị trường chỉ cho phép những dự án có quy hoạch ổn định tồn tại.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài cũng tính toán đến sự dịch chuyển từ phân khúc thị trường chung cư cao cấp sang trung cấp.

Cafeland.vn - Theo ĐĐK
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland