Thiếu điện cùng với những bất hợp lý trong quy hoạch ngành thép, ngành ximăng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập trong buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại hội trường sáng 1/11
Nhiều lãng phí trong quy hoạch ngành ximăng và thép

Đề cập đến những bất cập, tình trạng tiền trảm, hậu tấu trong quy hoạch ngành ximăng và thép, gây lãng phí lớn, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) chỉ ra rằng chỉ một tỉnh miền Đông Nam Bộ có tới 18 dự án thép trong đó đa phần là ngoài quy hoạch, khiến cho ngành điện hụt hơi với ngành thép. Đại biểu đề nghị Chính phủ chấn chỉnh ngay các dự án ngoài quy hoạch, lách quy hoạch.


Báo cáo trước Quốc hội về tình hình quy hoạch ximăng, Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết quy hoạch ngành và lãnh thổ là 2 phạm trù khác nhau.


Nói về quy hoạch ngành, nếu xét trong quan hệ cung-cầu ximăng, các dựa án ximăng trong nước thì hiện nay cung đang vượt cầu. Năm 2010, Việt Nam tiêu thụ khoảng 51,5 triệu tấn/năm, dự báo đến cuối năm sẽ có khoảng 55-56 triệu tấn/năm.


Nhiệm vụ quan trọng nhất là mục tiêu bình ổn thị trường, cung-cầu nhất trí. Bộ Xây dựng xác định quy hoạch vật liệu trên các vùng nguyên liệu theo 6 vùng nguyên liệu ximăng, gắn với phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng.


Thị trường ximăng Việt Nam có đặc điểm miền bắc nguyên liệu dồi dào, cung lớn nhưng cầu thấp, miền Nam ngược lại. Khi làm quy hoạch ximăng cũng phải tính đến điều này để bảo đảm cân đối, hợp giữa các vùng miền và cân đối cung-cầu.


Bộ Xây dựng dự báo trong những năm tới thị trường ximăng sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, các dự án ximăng đưa vào quy hoạch đang bảo đảm cung phù hợp với cầu. Bộ Xây dựng đang đề xuất với Chính phủ các biện pháp tăng cường tiêu thụ ximăng hơn nữa kể cả trong việc đưa ximăng vào các công trình giao thông, thủy lợi, quốc lộ. Việc này đang được bàn với bộ Giao thông Vận tải.


Thứ hai là tăng các dự án đầu tư vào vật liệu xây dựng không nung thay thế cho gạch, ngói, đất sét nung, giúp không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thụ ximăng còn môi trường, tiêu thụ năng lượng, đất đai... Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án này. Hiện nay, cả nước đang có 10 dự án xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu không nung và hai nhà máy đã đi vào sản xuất.


Thứ ba là tính đến tăng cường xuất khẩu ximăng, trên cơ sở tính toán thị trường. Việc điều chỉnh quy hoạch cân đối cung-cầu ximăng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005, Bộ Xây dựng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh, phê duyệt nhằm bảo đảm bình ổn ximăng trong cả nước.


Ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương nghèo muốn tăng cường đầu tư nhưng không biết được bức tranh cung-cầu trên thị trường nên để xảy ra tình trạng cung nhiều hơn cầu. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là vấn đề. Cần một quá trình thay đổi nhận thức, sự phối hợp với các bộ ngành, địa phương. Bộ Xây dựng đang giúp Chính phủ tuyên truyền về vấn đề này


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết thời gian vừa qua đúng là có tình trạng một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Việc này cũng tương tự như vấn đề quy hoạch ximăng.


Đối với một số địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nghèo rất mong muốn có đầu tư nên không tránh khỏi tình trạng một số nơi có những dự án nằm ngoài quy hoạch.


Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát lại quy hoạch ngành thép trên tinh thần. Quy hoạch ngành thép phải xác định quy hoạch “cứng”- những dự án nằm trong quy hoạch mới được phép triển khai.


Thứ hai là qua rà soát, kiểm tra, nếu phát hiện các dự án nằm ngoài quy hoạch, họat động không hiệu quả phải thay đổi thiết bị, nếu không đáp ứng được phải đình chỉ, thậm chí là chấm dứt hợp đồng.


Thứ ba là tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp cùng với các ngành, các địa phương để bảo đảm quy hoạch thép đáp ứng được yêu cầu, trong đó tập trung vào các dự án sản xuất phôi thép, hạn chế các dự án sản xuất thép sản phẩm./.
Cafeland.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland