Không có ý nghĩa đối với khâu cấp phép
Quận Tân Bình thực hiện theo đúng yêu cầu của Nghị định 64/2012 và Sở Xây dựng là trong hồ sơ xin phép xây dựng phải có bản vẽ kết cấu. Cán bộ cấp phép không thẩm tra bản vẽ mà chỉ kiểm tra đủ hồ sơ, đúng nghĩa “nhìn thấy có là được”.
Thật sự mà nói, bản vẽ kết cấu không có ý nghĩa gì với khâu cấp phép xây dựng. Giấy phép xây dựng được cấp theo quy hoạch, quy chuẩn xây dựng. Toàn bộ nội dung của giấy phép xây dựng không liên quan gì đến bản vẽ kết cấu, vì bản vẽ này chỉ dành cho giai đoạn thi công công trình.
Tôi chắc chắn bản vẽ kết cấu nộp trong hồ sơ xin phép xây dựng sẽ hoàn toàn khác với bộ hồ sơ thi công sau này. Do đó mục tiêu nhằm đảm bảo chất lượng công trình, nhắc nhở chủ đầu tư không thể trốn trách nhiệm lập bản vẽ thi công thực chất sẽ không hiệu quả bao nhiêu. Bản vẽ kết cấu chỉ làm nặng thêm hồ sơ xin phép xây dựng và gây lãng phí, ít nhất về mặt giấy mực.
Bản vẽ kết cấu chỉ cần thiết trong giai đoạn thi công. Ảnh: HTD
Nếu muốn siết chất lượng công trình, theo tôi có thể đưa yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu vào giai đoạn hậu cấp phép xây dựng. Quản lý công trình không phải chỉ có một cơ quan cấp phép mà còn có thanh tra xây dựng, đây là lực lượng hậu kiểm giấy phép xây dựng. Mà vấn đề này luật cũng đã quy định lâu nay, không phải là mới.
Ông NGÔ VĂN DŨNG, cán bộ cấp phép xây dựng Phòng Quản lý Đô thị quận Tân Bình
Một thủ tục bất hợp lý
Cách đây gần 20 năm đã từng có quy định khi xin phép xây dựng nhà ở phải có hồ sơ khảo sát địa chất và thẩm định thiết kế. Thế là đã hình thành một nhóm người chuyên mua bán các loại hồ sơ này. Bởi lẽ khi ấy một mũi khoan địa chất tốn 5 triệu đồng, trong khi mua một bộ hồ sơ khảo sát địa chất chỉ 2 triệu đồng. Hồ sơ thiết kế cũng được sao chép, mua bán để hợp thức hóa khi xin phép xây dựng. Lúc đó tôi đang làm công việc thẩm định các bản thiết kế và đã nhìn thấy cả chục bộ hồ sơ y chang nhau từng nét vẽ, chỉ khác tên họ chủ nhà và địa chỉ công trình.
Quy định hình thức, hành dân và làm phát sinh tiêu cực này đã được bãi bỏ nhiều năm qua là một điều rất đáng mừng. Nhưng nay Bộ Xây dựng lại có một yêu cầu tương tự, chỉ vì lo ngại rằng vừa qua có một số công trình trong quá trình xây dựng bị sự cố.
Trong hàng trăm ngàn căn nhà được xây dựng trên toàn quốc, xảy ra một vài sự cố là xác suất khó tránh khỏi, không phải riêng ngành xây dựng mà ở mọi lĩnh vực. Không thể vì một vài trường hợp không tốt mà buộc toàn bộ những người khác phải chịu một thủ tục bất hợp lý. Lại vô lý hơn nữa là bản vẽ kết cấu được nộp chỉ để cơ quan cấp phép nhìn thấy. Vậy thì nộp để làm gì? Tôi chắc chắn rằng bộ bản vẽ chủ đầu tư nộp không dính dấp gì đến bản vẽ thi công thật sự mà họ sẽ thực hiện sau này. Quy định đặt ra mà mục đích an toàn không đạt được, mục tiêu chống lãng phí lại càng không thì có nên xem lại?
Kỹ sư NGUYỄN VĂN ĐỰC, Phó Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Tân
Phải coi trọng góp ý của địa phương
Về mặt thủ tục hành chính, tôi cho rằng không phải cứ thêm thủ tục hay rườm rà là sai, lược bỏ đơn giản hay xuề xòa là tốt. Có những lĩnh vực bắt buộc phải rườm rà rắc rối, nhất là những mảng thuộc về chuyên môn cao, ảnh hưởng đến cộng đồng. Tuy nhiên, vế ngược lại cũng bắt buộc như vậy: Nếu thủ tục đó không cần thiết, không có ý nghĩa, không khả thi thì không được thêm vào để làm khó dân.
Xét về chuyên môn thì Bộ Xây dựng là cơ quan cao nhất. Tuy nhiên, về thực tế và kinh nghiệm giải quyết cụ thể thì cơ quan thực hiện tại địa phương lại là nơi sâu sát nhất. Do đó, để tránh những quy định “từ trên trời rơi xuống” do ngồi bàn giấy vẽ chính sách, cơ quan làm luật nên tham khảo và quan tâm đến các góp ý, tính đặc thù và những kiến nghị đề xuất của địa phương. Có như vậy thì quy định khi ban hành mới khả thi, hiệu quả cao.
TS DIỆP VĂN SƠN, chuyên gia cải cách hành chính