11/05/2011 12:40 AM
Cách nghĩ về bất động sản không chỉ ở nhà đầu tư mà còn là của nhà quản lý đô thị
Khi đề cập một thứ tài sản cố định như nhà ở, công trình, ta gọi nó là bất động sản (BĐS) nhưng khi ta nói về vẻ đẹp, khía cạnh phục vụ và sự chuyển tải văn hóa của nó, ta gọi là kiến trúc.
Nếu người kinh doanh BĐS quan tâm đến cách người dân sống trong quần thể BĐS của mình, họ sẽ cho người mua nhà những không gian lành mạnh, tiện nghi, bền vững, phù hợp với cách sống. Còn nếu họ chỉ mong bán nhà cho kịp trong cơn sốt nhà đất thì còn nghĩ gì đến những điều “xa xỉ” ít ai thấy đó?

Văn hóa kiến trúc

Một chung cư ở khu Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội muốn gửi xe phải gửi ngoài bãi, muốn đổ rác phải tự thu gom. Có nơi mỗi hộ trong chung cư là một cửa hàng tạp hóa...

Như vậy, ngoài khía cạnh giá trị tiền, người ta còn cần đến một thứ gọi là “cách nghĩ về BĐS”. Có những nhà đầu tư làm theo cách nghĩ của số đông. Nếu số đông mua chung cư không hiểu rằng họ được quyền có một hệ thống thang máy chống lửa, một cửa vào phòng chống cháy thì nhà đầu tư sẽ bỏ qua nhu cầu này. Suất đầu tư sẽ thấp hơn.

Nhiều chung cư cao cấp được xây dựng tại quận 7 “ăn theo” hạ tầng Phú Mỹ Hưng. Ảnh: Hồng Thúy
Cách nghĩ về BĐS có thể không chỉ nằm trong đầu của nhà đầu tư mà còn nằm trong đầu của nhà quản lý đô thị. Nhưng trong thực tế, quản lý vĩ mô đô thị đã không đủ sức quán xuyến sự phát triển đô thị trong nhiều hoàn cảnh kinh tế phức tạp luôn thay đổi. Các quy định, nghị định trong quản lý xây dựng, quy hoạch vốn đã vá víu lại đều được ra đời cách nay 10 năm, 15 năm. Chưa kể mô hình đô thị khó định hình khi các nhà quản lý phải chiều lòng doanh nghiệp để khuyến khích phát triển kinh tế địa phương mà tạm thời quên đi các yếu tố hợp lý môi trường, cảnh quan đô thị v.v...

Khi ta “kẹt” trong sự quản lý bất cập, bị buộc phải cân nhắc đầu tư thì yếu tố con người ứng xử với BĐS để nó trở thành một thứ tài sản có giá trị lâu bền cả ở vật chất và tinh thần, đó là văn hóa kiến trúc. Văn hóa kiến trúc phải xuất phát từ các nhà đầu tư có văn hóa. Nhà đầu tư có văn hóa là người biết tặng kèm cho xã hội cái văn hóa trong BĐS họ đang bán. Đó là sự khôn ngoan trong đầu tư.

Sự thờ ơ hay “hồn nhiên vô tư”

Trên thực tế, nhà đầu tư đôi khi mang tội “ngộ sát” khi vô tình đặt để những công trình phá hoại cảnh quan và xã hội phải chịu đựng cái gọi là sự “ô nhiễm kiến trúc” trong nhiều thập kỷ. Việc đó có sự tiếp tay của người làm kiến trúc và các nhà quản lý. Nó vô tình tạo ra một thứ “văn hóa kiến trúc” đặc thù của một giai đoạn đô thị của ta, phản ánh rất rõ bức tranh chung mà sau này các thế hệ vẫn tiếp tục chịu đựng.
Đó cũng có thể là sự thờ ơ, vô trách nhiệm của các phía liên quan. Kịch bản là: Người đầu tư chỉ biết lợi nhuận, không quan tâm đến công trình hoặc khu quy hoạch bên cạnh ra sao, người thiết kế mong làm xong hồ sơ đưa lên duyệt cho qua, người quản lý rà soát thấy không sai quy định, hết trách nhiệm là thông qua và như thế là có ngay một dự án hiện hình.

Vay mượn giá trị

Nhà đầu tư và người thiết kế trong nhiều trường hợp đã vay mượn lợi thế của vị trí công trình, tham gia vào môi trường cảnh quan đang được yêu thích, đã kéo tụt giá trị của khu đất bằng những loại kiến trúc và quy hoạch đầy tính thực dụng.
Điển hình là Phú Mỹ Hưng có nhiều khu lân cận thiết kế không tốt bằng, làm phá vỡ giá trị tổng thể. Các khu resort ở Hội An lặp lại kiến trúc phố cổ, các resort thi nhau sử dụng văn hóa Chăm làm cảm hứng đã làm nghèo đi cách nghĩ về kiến trúc Đà Nẵng. Ciputra Hà Nội với nhiều kiểu kiến trúc tân cổ, Pháp - Mỹ đứng gần nhau sao gọi là văn hóa kiến trúc?

Vậy có thể nói, kiến trúc và văn hóa trong BĐS chính là “cách nghĩ về BĐS” của tất cả mọi người trong xã hội. Từ nhà đầu tư, người làm kiến trúc, người thụ hưởng BĐS và những nhà quản lý đô thị hoặc cao hơn nữa, cần phải tìm một cách nghĩ chung và đúng đắn.

Cafeland.vn - Theo Người Lao Động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.