Hội thảo phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam - Bài học từ kinh nghiệm quốc tế. Ảnh: PV
Theo chia sẻ từ các chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB), phát triển nhà ở xã hội (còn gọi là nhà ở giá rẻ) đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện từ những năm 1960, góp phần mang lại phúc lợi xã hội tốt cho người dân của các nước.
Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, từ những kinh nghiệm của quốc tế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã và vẫn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách về nhà ở phù hợp với điều kiện thực tế, với mục tiêu giúp người có thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.
Bộ trưởng Dũng nhìn nhận, một trong những nguyên nhân khiến cho thị trường bất động sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua chính là sự mất cân đối cung – cầu về nhà ở. Cụ thể là việc, thị trường hiện thừa quá nhiều nhà ở cao cấp nhưng lại thiếu nhà ở giá rẻ, bình dân.
Do vậy, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế mấy năm qua, tồn kho bất động sản tăng cao khiến doanh nghiệp cũng rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, người có nhu cầu thực về nhà ở thì lại không được đáp ứng, do hiện tại giá bán nhà ở trên thị trường không phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.
Mặt khác, báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho biết, hiện Việt Nam đang cần khoảng 11,28 triệu m2 nhà ở cho người thu nhập thấp, tương đương khoảng hơn 280.000 căn.
Trong giai đoạn 2013 - 2015, nhu cầu tăng thêm 2,64 triệu m2, tương đương 66.000 căn; nhu cầu này sẽ tăng thêm khoảng hơn 430.000 căn đến năm 2020.
Theo Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội đồng thời là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và cả người dân.
Trong đó, chiến lược này cũng nêu rõ phải hình thành 2 loại nhà ở là nhà ở thị trường và nhà ở xã hội. Để vừa nhằm thỏa mãn nhu cầu của người dân theo cơ chế thị trường, vừa tập trung hỗ trợ các đối tượng có khó khăn về nhà ở.
Chiến lược đã xác định rõ 8 nhóm đối tượng nhà ở xã hội cần được hỗ trợ về nhà ở: người nông dân nghèo, người có công với nước, cán bộ sỹ quan quân nhân chuyên nghiệp lực lượng vũ trang, cho người lao động ở đô thị, cho cán bộ công chức viên chức, văn nghệ sĩ trí thức còn khó khăn về nhà ở, cho công nhân ở khu công nghiệp, cho sinh viên ở các trường đại học, cho những người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa.
Theo Bộ trưởng Dũng, những loại nhà ở này rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, để những người dân được mua nhà thấp hơn so với giá thị trường và mới có điều kiện để cải thiện về nhà ở.
Tại hội thảo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhận định: Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh với khoảng 1 triệu dân chuyển dịch về các đô thị hàng năm. Điều này đã tạo áp lực lớn về nhu cầu nhà ở, đòi hỏi phải có phương thức giải quyết để tránh tình trạng nghèo đô thị, nghèo thành thị.
Không những thế, bà Kwakwa còn cho rằng, hiện các đô thị của Việt Nam đang thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ, đây chính là nguyên nhân thất bại của thị trường bất động sản Việt Nam. Điều cần thiết là phải tìm ra nguyên nhân để giải quyết tình trạng này.
Đặc biệt, theo bà Kwakwa, Chính phủ phải tham gia giải quyết vấn đề về nhà ở xã hội, đây là vấn đề rất quan trọng trong việc quản lý và phát triển đô thị. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tính toán đến việc đáp ứng nhà ở cho cả lượng người di cư đến các đô thị chứ không chỉ riêng người có hộ khẩu chính thức.
Chia sẻ về kinh nghiệm ở các nước, ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc Ban phát triển đô thị của WB, cho biết, công thức ở một số quốc gia phát triển nhà ở xã hội tốt chính là việc Nhà nước đưa ra được các khoản hỗ trợ tài chính cho người sử dụng cuối cùng.
Các khoản hỗ trợ đó phải đảm bảo cung cấp được cho khoảng 50% tổng số người có thu nhập thấp.
Quan trọng là các khoản tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở và quan trọng nhất là tăng cường khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội.